Tối 19/12, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, cho biết, BV vừa điều trị thành công cho sản phụ Lộc Thị Hường (22 tuổi, quê Nghệ An) bị Hội chứng song thai không tim.
Chị Hường kể, đây là lần mang thai thứ hai của chị. Khi thai được 12 tuần tuổi, chị đi khám tại cơ sở y tế địa phương thì phát hiện mang song thai, nhưng một thai đã lưu. Sau đó, thai phụ đã ra BV Phụ sản Hà Nội thăm khám.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, thai phụ được xác định mắc hội chứng bơm máu động mạch đảo ngược (song thai không tim) rất nguy hiểm. Theo đó, một thai vẫn phát triển, một thai lưu, nhưng thực chất, thai này vẫn có các mạch máu, tuần hoàn bình thường. Thai lưu này lấy dinh dưỡng từ thai đang phát triển, khiến thai bình thường có nguy cơ lưu vì mất máu.
Khi thai được 26 tuần tuổi, tình trạng của thai phụ rất nguy cấp, bởi thai còn lại có nguy cơ lưu rất cao. BV đã tiến hành hội chẩn và quyết định mổ can thiệp bào thai, nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai hỏng, giữ em bé còn lại trong bụng lâu nhất có thể.
Sau ca can thiệp, thai phụ được giữ lại viện để dưỡng thai vì cổ tử cung quá ngắn, cơ địa yếu, có nguy cơ đẻ non. Quá trình giữ thai, BV phải dùng những loại thuốc đắt nhất thế giới hiện nay. Đến tuần 33, thai phụ bị rỉ ối, chuyển dạ và nhanh chóng được mổ lấy thai. Thai nhi nặng 1,2 kg, phát triển tốt, có thể ra viện trong tuần tới".
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, hội chứng song thai không tim hiếm gặp với tỷ lệ 1/35.000. Nếu không được can thiệp, thai nhi trong bụng sẽ dần mất tim thai. Nhiều trường hợp bị thai lưu, mẹ đau đớn, thậm chí bị rối loạn tâm lý dẫn tới vô sinh sau này.
"Can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi. BV Phụ sản Hà Nội là BV công đầu tiên ở Việt Nam thực hiện can thiệp từ bào thai để điều trị nhiều bất thường ở bào thai", PGS. Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn