Thời điểm này, xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) đang trong mùa thu hoạch các loại hoa quả như cam, bưởi… Tuy nhiên, các loại cây ăn quả sản xuất hữu cơ giá cao gấp đôi nhưng nhà vườn không có để bán.
Vườn cây của gia đình bà Đỗ Thị Thanh (thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh) có tổng diện tích 2ha trồng bưởi và cam. Trong đó, gia đình thực hiện sản xuất hữu cơ 0,5ha cam Vinh (6 năm tuổi) và 0,5ha bưởi Cát Quế và bưởi đường Soi Hà (cây 7 năm tuổi).
Bà Thanh cho biết, năm 2018, gia đìnhh bắt đầu thực hiện nghiêm quy trình sản xuất hữu cơ. Theo đó, gia đình không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Thay vào đó là phân chuồng ủ khoai mục, phân xanh, làm cỏ bằng tay, bằng máy, sử dung thuốc bảo vệ sinh học. Vì thế, chất lượng quả khác hẳn so với trước đây, giá bán vì thế cũng tăng cao hơn. Ví như cam, hiện gia đình đang bán với giá 40.000 đồng/kg, còn cam thường chỉ từ 15.000 đồng- 20.000 đồng/kg nhưng cũng khó bán. "Tôi cho rằng, mình chuyển hướng trồng cây theo hướng hữu cơ là phù hợp, bởi sản phẩm vừa được giá, lại đảm bảo an toàn cho người sử dụng", bà Thanh chia sẻ.
Tương tự, sau 4 năm sản xuất hữu cây trên cây cam và cây bưởi, cuối tháng 11 vừa qua, 0,3 ha cam Vinh (7 năm tuổi) và 0,7ha bưởi (8 năm tuổi) của gia đình bà Lê Thị Đông Anh (thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh) đã cho thu hoạch. Đặc biệt, số diện tích cam, bưởi trên đã được Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang cấp chứng chỉ hữu cơ (PGS). "Việc cấp chứng chỉ hữu cơ đã tạo thuận lợi cho trái cây của gia đình tiêu thụ thuận lợi. Ngay tại mùa thu hoạch này, giá cam Vinh của gia đình cao gấp đôi so với sản phẩm cam Vinh của các hộ không sản xuất hữu cơ", bà Đông Anh thông tin.
Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện Yên Sơn được phê duyệt 4 dự án gồm: 2 Dự án sản xuất chè hữu cơ và 2 dự án sản xuất bưởi hữu cơ.
Trong năm 2022, Yên Sơn thực hiện 1 dự án cây ăn quả sản xuất bưởi hữu cơ, do chủ dự án là Hợp tác xã Trái cây hữu cơ Phúc Ninh thực hiện. Đây cũng là đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất thông thường sang hướng hữu cơ với quy mô thực hiện 17ha bưởi.
Ông Tạ Hữu Quang, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây hữu cơ Phúc Ninh cho biết, tháng 8/2018, Hợp tác xã Trái cây hữu cơ Phúc Ninh được thành lập với 12 hộ gia đình tham gia. Đây là mô hình mới, nên khi mới thành lập, người dân còn đứng ngoài nghe ngóng tình hình xem có hiệu quả không. Sau 1 năm đi vào hoạt động, thấy mô hình hữu cơ cho chất lượng quả cao hơn, giảm chi phí vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại bảo vệ sức khỏe người trồng nên đã có thêm 5 hộ xin tham gia.
Cũng theo ông Quang, khi tham gia Hợp tác xã, các hộ nông dân được tư vấn sản xuất về sản phẩm nông nghiệp sạch và đồng hành liên kết kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Riêng gia đình ông cũng có 13ha với diện tích cây ăn quả trồng theo mô hình hữu chuyển đổi, trong đó 3 ha cho thu hoạch, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Ông Hà Lê Bình, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Tuyên Quang, cho biết, sự khác biệt rõ nhất giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất an toàn hay sản xuất thông thường là ở quy trình sản xuất. Theo đó, sản xuất hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ. Còn trong sản xuất thông thường, người dân vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đăc biệt, ngay cả sản xuất theo phương pháp an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chính vì vậy, nếu so về chất lượng và lợi ích môi trường, thì sản xuất hữu cơ vẫn bảo đảm bền vững hơn.
Cũng theo ông Bình, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở Tuyên Quang đang đi theo hướng hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh, điển hình như vùng bưởi, cam, chè... Ví như sản phẩm cam sành đã 2 lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong danh sách Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn.
Để có được kết quả ấy, Tuyên Quang đã triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, như mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi; hỗ trợ các Hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc.
"Tuyên Quang đã xác định, sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu, nên đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Tỉnh xem đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường... để đưa nông sản địa phương vươn xa hơn", ông Bình chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn