Đầu năm 2019, có nguồn nguyên liệu trong tay, chị bắt đầu đầu tư hệ thống nấu bằng nồi sắt với chi phí hơn 120 triệu đồng. Tưởng công việc sẽ thuận lợi nhưng làm được một thời gian, mạt sắt bị thôi ra khiến tinh dầu không đạt hiệu quả như ý. Chị phải chuyển đổi hệ thống nấu để cho ra sản phẩm đạt chất lượng.
Chia sẻ về quá trình này, chị Oanh nói: "Mẻ sả đầu tiên có nguyên liệu đầu vào rồi mà chưa có đầu ra. Tôi liền đem về cho người thân, bà con họ hàng của mình dùng. Họ dùng thấy hiệu quả rồi giới thiệu cho người khác. Lúc đó, sản phẩm đơn thuần là chai nhựa nhỏ, chưa có mẫu mã, giá bán là 200.000 đồng, rẻ hơn 100.000 đồng so với giá thị trường. Thế nhưng bà con tin dùng nên mua nhiều khiến tôi quyết tâm tìm kiếm thị trường rộng hơn".
Việc đi tìm thị trường bắt đầu tiến triển vào cuối năm 2019. Chị kiên trì giới thiệu sản phẩm của mình, dần dần lượng người biết đến nhiều hơn. Sau năm 2020, chị thành lập "Hợp tác xã sản xuất tinh dầu Như Oanh", đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc.
Sau đó, chị mạnh dạn tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đưa sản phẩm tinh dầu sả kiểm nghiệm và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Năm 2020, khi đã có chứng nhận OCOP, chị tham gia chuỗi liên kết sản phẩm. Từ đó, chị liên kết làm hợp đồng với bà con trồng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho họ. Nhờ sự liên kết rộng mở, vùng trồng sả hiện nay đã lên đến 35ha. Chị đầu tư thêm 5ha để trồng tràm, chế biến đa dạng sản phẩm tinh dầu.
Sau nhiều năm lăn lộn với tinh dầu, giờ đây, cơ sở sản xuất của chị Như Oanh đã đi vào ổn định, sản phẩm làm ra đa dạng, gồm: tinh dầu sả JAVA, sả chanh, tràm trà, tràm 5 gân, nước lau sàn, nước rửa bát, sát khuẩn tay... Sản phẩm của chị Oanh đã có cơ hội xuất khẩu. Với thị trường trong nước, ngoài hệ thống cửa hàng, chị còn tăng cường bán qua kênh thương mại điện tử.
Có đầu ra ổn định, chị thuê thêm nhân công để phát triển sản xuất. Hiện doanh thu của Hợp tác xã lên đến 1,2 - 1,8 tỷ đồng/năm. Chị Oanh cho biết, thời gian tới, chị sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư thêm các thiết bị máy móc, xe ô tô chở nguyên liệu... đồng thời góp sức đưa cây sả, cây tràm ở vùng đất Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trở thành cây trồng chủ lực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn