Buổi livestream trực tuyến diễn ra trên fanpage TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ 09h00, ngày 30/7/2021
https://www.facebook.com/trunguonghoilienhiepphunuvietnam
Nhằm thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của các cấp, các ngành đối với công tác phòng, chống mua bán người; truyền đi thông điệp công tác phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân. Thông qua sự kiện cũng tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Chương trình công bố chủ đề của “Ngày quốc tế phòng, chống mua bán người” năm 2021.
"Lắng nghe nạn nhân - dẫn lối hành động" (Victims’ Voices Lead the Way)
Buôn bán người là một loại hình tội phạm hết sức nguy hiểm trong xã hội; các cấp uỷ, Bộ, ngành, trung ương, địa phương cần nhận thức rõ công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với những giải pháp quyết liệt, triệt để và cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi và xoá bỏ loại tội phạm này.
Tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp
Hoạt động tội phạm buôn bán người vẫn đang diễn biến phức tạp, tính chất qu mô và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt và gia tăng dưới nhiều hình thức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây tổn hại thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
Bọn tội phạm tổ chức thành đường dây, ổ nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia, hoạt động lại không theo quy luật nhất định, lấy khu vực biên giới là nơi tập kết, trung chuyển, đồng thời là địa bàn để lẩn trốn. Mức độ tiềm ẩn tội phạm do đó rất lớn.
Nguyên nhân gia tăng tội phạm buôn người là do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến phân hoá giàu nghèo, điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Một số phụ nữ có hoàn cảnh éo le, trẻ em nghèo, trẻ em thất học đã bị bọn tội phạm lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán cho các nhà hàng, quán trọ, khách sạn, các dịch vụ kinh doanh mại dâm trá hình, làm vợ bất hợp pháp, buộc bị lao động trong điều kiện tồi tệ hoặc bị sử dụng vào mục đích thương mại vô nhân đạo…
Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội còn chưa được thực hiện quyết liệt, công tác quản lý nhà nước về công tác này còn bất cập khiến bọn tội phạm có đất để hoành hành.
Cuộc đấu tranh cần sức mạnh tổng hợp...
Một sự thật hiển nhiên là nếu cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trung ương, địa phương ngày càng chặt chẽ, cơ chế pháp lý được bổ sung, hoàn thiện, và công tác tái hoà nhập cho các nạn nhân được quan tâm thực hiện, hoạt động hợp tác quốc tế chống tội phạm buôn bán người được đẩy mạnh thì nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em chắc chắn được đẩy lùi.
...và những giải pháp đồng bộ
Cải thiện đời sống cho người dân vùng khó khăn, tạo công ăn việc làm cho các nạn nhân và xử lý kiên quyết với đối tượng “buôn người”, đó là những biện pháp cơ bản để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Vấn đề tạo việc làm cho các nạn nhân đối với nhiều địa phương không hề đơn giản, vướng mắc ngay trong trình độ nhận thức của cán bộ địa phương và cả sự thiếu cởi mở của nhiều doanh nghiệp.
Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế pháp lý, về tố tụng và thực thi pháp luật, về các hoạt động hợp tác quốc tế, về bảo vệ nạn nhân hồi hương, tái hoà nhập cộng đồng và truyền thông phòng ngừa buôn bán phụ nữ, trẻ em thì Hội LHPNVN sẽ đẩy mạnh, đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ tuyên truyền cơ sở, gắn công tác truyền thông với các chương trình hỗ trợ vốn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo trong đó ưu tiên các nhóm phụ nữ, trẻ em nguy cơ, thiệt thòi...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn