Hỗ trợ tù nhân học nghề để kiếm sống
Diễn viên nổi tiếng Elizabeth Michael là một trường hợp điển hình ở Tanzania. Cô từng bị kết án 2 năm tù vì tội giết đồng nghiệp. Nhưng thay vì phải ngồi tù, Elizabeth Michael tham gia dọn dẹp bệnh viện, nhặt rác, chăm sóc cây trong các công viên và hình phạt dành cho Elizabeth Michael giảm xuống còn 6 tháng.
Năm 2013, nữ diễn viên 25 tuổi này đã giành được giải thưởng Liên hoan phim Quốc tế Zanzibar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho bộ phim Woman of Principles.
Tại Tanzania, ban quản lý nhà tù Kingolwira ở miền đông Morogoro đã lắp đặt máy khâu để các tù nhân nữ học nghề may. Ngoài việc thụ án, công việc này còn giúp các nữ tù nhân học kỹ năng kiếm sống sau khi mãn hạn tù.
Jesca, 36 tuổi, bị kết án 1 năm tù vì tội lừa đảo, chia sẻ: "Tôi thích làm công việc may vá. Nó khiến tôi quên đi tất cả những đau khổ khi ở trong tù và thời gian cũng trôi đi nhanh hơn".
Theo nghiên cứu về xu hướng nhà tù toàn cầu của Tổ chức cải cách và phát triển hệ thống luật pháp quốc tế (PRI), việc áp dụng ngày càng nhiều các bản án không giam giữ và các biện pháp can thiệp xã hội đã giúp cải cách tù nhân và giảm tội phạm trong xã hội hiện nay.
Tại Kenya, PRI và tổ chức nhân đạo TIJ đã phối hợp tài trợ chương trình giúp các tù nhân học nghề, phát triển kinh tế để giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo đói, vốn thường được coi là lý do của những tội ác vặt (các tội không quá nghiêm trọng).
Các tù nhân sau khi mãn hạn tù sẽ được hỗ trợ tài chính để bắt đầu kinh doanh nhỏ như bán ngũ cốc, cửa hàng tạp hóa, thành lập trang trại gia cầm hoặc làm nghề mộc.
Chia sẻ với đại diện của tổ chức PRI, tù nhân Christopher Joroge ở nhà tù Kakamega cho biết, anh không hối hận vì phải vào tù bởi chính ở nơi đây, anh đã tận dụng thời gian để học rất nhiều kỹ năng.
Ngay sau khi mãn hạn tù vào năm 2018, Joroge đã được hỗ trợ tài chính để mua một bộ dụng cụ để làm thợ xây. Trong thời gian thi hành án tù, Joroge đã được học nghề thợ xây. Anh chia sẻ: "Bây giờ tôi có thể kiếm sống mà không phải ăn trộm".
Án phạt phục vụ cộng đồng giúp chính phủ tiết kiệm chi phí
Kenya cho đến nay vẫn đang dẫn đầu trong việc thực hiện các hình phạt phục vụ cộng đồng. Theo số liệu thống kê từ Cục Quản chế và Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe của nước này, số phạm nhân phục vụ cộng đồng đã tăng từ 43.145 người trong năm 2004 lên 456.617 người vào năm 2018.
Ông Philip Ntabo, Phó Giám đốc các dịch vụ cộng đồng của Kenya, cho biết: "Các bản án tù ngắn thường không hiệu quả, ít tạo cơ hội để cải tạo người phạm tội và có thể dẫn đến tỷ lệ tái phạm rất cao".
Số lượng án phạt dịch vụ cộng đồng do các tòa án Tanzania tuyên đã tăng gấp đôi: từ 748 vụ vào năm 2011 lên 1.498 vụ vào năm 2015, theo dữ liệu chính thức.
Ở Rwanda, những người bị kết án vì các tội danh liên quan đến cuộc diệt chủng năm 1994 mới đây cũng đã được chuyển sang phục vụ cộng đồng thay vì phải ngồi tù.
Tại Uganda, kể từ năm 2001 đến nay đã có 36.556 án phạt phục vụ cộng đồng được tuyên thay vì phạt tù giam. Sự thay đổi này đã giúp chính phủ Uganda tiết kiệm được khoảng 9 tỷ shilling Uganda (khoảng 3,7 triệu USD). Các đơn vị hữu quan khác cũng tiết kiệm được khoảng 2,1 tỷ shilling Uganda (860.000 USD) từ sự chuyển đổi đó.
Tiến sĩ Jaba Shadrack, Giảng viên luật cao cấp tại Đại học Dar es Salaam, cho biết các biện pháp trừng phạt cộng đồng có hiệu quả hơn nhiều so với án tù trong quá trình giảm tái phạm tội.
Theo ông Shadrack, các tòa án phải áp dụng các giải pháp thay thế các án phạt tù ngắn. Việc đưa tù nhân vào trại giam đối với những tội nhẹ càng gây thêm trở ngại đối với họ trong việc hoàn lương.
Ông Charles Nsanze, quan chức phụ trách quản chế và phục vụ cộng đồng ở Tanzania, cho biết: "Hiện tại, các nhà tù của chúng tôi đang quá tải. Các cơ quan hữu quan cần phải có những sự điều chỉnh phù hợp với tình hình mà lại đạt được sự hiệu quả cao".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn