Sáng kiến kết thúc cuộc chiến 20 năm ở châu Phi được trao giải Nobel Hòa bình 2019

21:55 | 11/10/2019;
Giải Nobel Hòa bình 2019 đã được trao cho chủ nhân mới là Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali vì những đóng góp vào quá trình kiến tạo hòa bình và hợp tác quốc tế, hướng đến việc kết thúc cuộc chiến 20 năm giữa Ethiopia và Eritrea vì những tranh chấp biên giới lãnh thổ.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali

 

Vượt qua tổng cộng 301 đề cử cho giải thưởng, gồm 223 cá nhân và 78 tổ chức, Thủ tướng Abiy Ahmed Ali được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế và đặc biệt vì sáng kiến mang tính quyết định của ông tiến tới giải quyết xung đột biên giới với quốc gia láng giềng Eritrea. Ông là người đã ký kết Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị với Eritrea, mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau 20 năm thù địch. Bà Reiss-Andersen - Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, dẫu có những ý kiến về việc trao giải cho ông Abiy lúc này là sớm khi ông chỉ mới đắc cử và nhậm chức năm ngoái nhưng giải thưởng là kịp thời để ghi nhận công sức của nhà lãnh đạo cũng như để khích lệ những người khác.
 
Ông Awol Allo - Phó giáo sư luật người Ethiopia tại Trường ĐH Keele (Anh  quốc) cho biết, ông Abiy xứng đáng nhận giải thưởng vì vai trò của ông ấy trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ gây thiệt hại về người và của ở cả hai nước. "Những gì ông Abiy làm được trong vấn đề Eritra là rất dũng cảm và đáng ghi nhận. Hai nước giờ đây không còn chiến tranh. Các gia đình được đoàn tụ… Mối quan hệ bị ngưng trệ trong suốt 20 năm đã được hàn gắn", ông Allo nói.
 
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali trong lòng người dân

  

Ông Abiy Ahmed năm nay 43 tuổi và là nhà lãnh đạo trẻ nhất tại châu Phi. Ông Abiy Ahmed sinh ra ở miền Tây Ethiopia và tham gia cuộc kháng chiến chống chế độ Manhistu Haile Mariam khi còn là một thiếu niên. Sau đó, ông gia nhập lực lượng vũ trang và thăng tiến tới cấp bậc trung tá. Ông là tiến sĩ nghiên cứu về hòa bình và an ninh. Ông gia nhập chính trường khoảng 9 năm trước sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực tình báo không gian mạng Ethiopia.
 
Từ năm 1961 đến năm 1991, Eritrea đã chiến đấu để tách ra khỏi Ethiopia. Đến năm 1993, Eritrea chính thức trở thành quốc gia độc lập, gia nhập Liên hợp quốc nhưng việc xác định biên giới lãnh thổ giữa hai bên trở thành xung đột lớn. Ethiopia và Eritrea đã rơi vào thế bế tắc quân sự sau cuộc chiến tranh biên giới 1998-2000 khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng (một số ước tính khác nói là 300.000). Theo phán quyết của một ủy ban quốc tế tại The Hague (Hà Lan), Eritrea đã vi phạm luật quốc tế và kích động chiến tranh với việc xâm lấn Ethiopia. Cuối cuộc chiến, Ethiopia đã giành quyền kiểm soát mọi lãnh thổ tranh chấp và lấn qua lãnh thổ Eritrea. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Ủy ban Biên giới do Liên hợp quốc thành lập đã tuyên bố vùng đất Badme, trung tâm của tranh chấp lãnh thổ, thuộc về Eritrea. Tuy nhiên cho đến năm 2019, Ethiopia vẫn kiểm soát vùng đất này. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed được nhiều người biết đến năm 2018 sau khi xúc tiến chấm dứt 20 năm xung đột giữa Ethiopia và Eritrea.
 
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali hỏi thăm trẻ em

  

Thủ tướng Abiy Ahmed nhậm chức hồi tháng 4/2018 sau 3 năm bất ổn tại Ethiopia với các cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài. Ông được đánh giá đã mang tới một làn gió mới, phong cách lãnh đạo mới tại Ethiopia với việc đưa ra một loạt các biện pháp cải cách, trong đó nổi bật là tự do hóa nền kinh tế. Ông là chủ tịch của cả đảng cầm quyền EPRDF (Mặt trận Dân chủ cách mạng của dân tộc Ethiopia) và OPDO (Tổ chức Dân chủ Oromo), một trong 4 đảng liên minh của EPRDF. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Ethiopia đã dành 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia, ân xá cho hàng nghìn tù nhân chính trị, chấm dứt việc kiểm duyệt truyền thông, hợp pháp hóa các nhóm đối lập ngoài vòng pháp luật, sa thải các lãnh đạo quân sự và dân sự bị cáo buộc tham nhũng và ký thỏa thuận hòa bình với Eritrea. Ngày 5/6/2018, liên minh cầm quyền tại Ethiopia do Thủ tướng Abiy Ahmed dẫn đầu đã đồng ý thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình (Hiệp định Hòa bình Algiers) ký với Eritrea năm 2000 cũng như tuân thủ phán quyết trọng tài của Ủy ban Biên giới vào năm 2002. Đến tháng 7/2018, cả hai bên cùng tuyên bố hòa bình. "Chính trị gia sắc sảo" này còn tích cực nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị bằng việc bổ nhiệm nữ giới vào một nửa trong số 20 bộ trưởng chính phủ. Ông Abiy Ahmed cũng cam kết sẽ thúc đẩy nền dân chủ bằng cách tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
 
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali gặp mặt Giáo hoàng Francis

  

Ông Ahmed đã khởi động nhiều cải cách quan trọng đem lại cho người dân hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn. Sau tiến trình hòa bình với Eritrea, Thủ tướng Abiy Ahmed đã tham gia vào các tiến trình hòa bình và hòa giải khác ở Đông Phi và Đông Bắc Phi. Tháng 9/2018, ông và chính phủ Ethiopia đã đóng góp tích cực vào việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Eritrea và Djibouti sau nhiều năm căng thẳng chính trị. Ngoài ra, ông Abiy Ahmed còn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Kenya và Somalia trong cuộc xung đột kéo dài liên quan các quyền lợi tại một khu vực tranh chấp trên biển. Ở Sudan, chính quyền quân sự và phe đối lập cũng đã quay lại bàn đàm phán với vai trò then chốt của Thủ tướng Abiy trong quá trình dẫn đến một thỏa thuận nhằm đảm bảo sự chuyển giao quyền lực hòa bình ở quốc gia này.
Ông Abiy Ahmed Ali vinh dự khi đạt giải Nobel Hòa bình 2019

 

Văn phòng Thủ tướng Ethiopia đã đăng một thông báo trên Twitter, cho biết họ "rất vui được thể hiện lòng tự hào" khi ông Ahmed giành được giải Nobel Hòa bình, khẳng định ông đã biến hòa bình, bao dung và hòa giải thành những thành tố chính sách chủ chốt trong chính quyền. "Chiến thắng và sự ghi nhận này là thắng lợi tập thể của người dân Ethiopia và là lời kêu gọi củng cố quyết tâm của chúng ta trong việc biến Ethiopia - Chân trời Hy vọng Mới - trở thành quốc gia thịnh vượng cho tất cả", tuyên bố Văn phòng Thủ tướng Ethiopia viết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn