Tại buổi lễ bàn giao dự án, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn công bố chính thức tiếp nhận Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.
Bên cạnh đó, ông Dương Đức Tuấn cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) khẩn trương tiếp nhận hồ sơ, chuyển giao công nghệ vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đồng thời, có phương án đảm bảo an toàn giao thông, kết nối các phương thức, loại hình vận tải công cộng và tạo điều kiện cho hành khách đi tàu.
Về kế hoạch khai thác, ông Dương Đức Tuấn khẳng định: "Kể từ ngày hôm nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành trong năm đầu tiên chia thành 2 giai đoạn, 6 tháng đầu và 6 tháng sau. Trong 15 ngày đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông miễn phí vé cho hành khách".
Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông tương đương vé xe buýt (khoảng 7 nghìn đồng) và cứ đi 1km sẽ cộng thêm 600 đồng. Đối với người đi vé tháng thì đi bao nhiêu sẽ trừ bấy nhiêu. Đối với hành khách đi vé lượt thì sẽ làm tròn đi 1 ga là 8 nghìn đồng, thêm 1 ga là 9 nghìn đồng và đi cả tuyến là 15 nghìn đồng.
Vé tháng bình thường là 200 nghìn đồng, còn vé tháng ưu tiên là 100 nghìn đồng. Vé tháng của tàu Cát Linh - Hà Đông có tính ưu việt sử dụng trong 30 ngày, mua ngày nào thì sẽ tính đến ngày mua vé của tháng sau và có vé ngày. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 651 nhân sự được đào tạo nghiệp vụ cho các vị trí để vận hành tuyến đường sắt này.
Lãnh đạo Hanoi Metro cho biết trong 6 tháng đầu, giờ mở tuyến là 5h30-22h. Một tuần đầu, các đoàn tàu chạy với tần suất 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 chạy 10 phút/chuyến. Nếu khách đông, Hanoi Metro sẽ lập tức điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu.
Dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn