Sáng tạo phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc còn nguyên giá trị trong xây dựng nông thôn mới

07:46 | 30/12/2020;
“Tấm gương đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết.

Ngày 29/12, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Chân dung một con người đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp", nhằm tôn vinh những cống hiến nổi bật của đồng chí Kim Ngọc đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Đây cũng là dịp để khắc họa rõ nét và sâu đậm hơn chân dung, cốt cách Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng chủ trương "Khoán hộ" ở Vĩnh Phúc những năm 1966 - 1968. 

Đánh giá về những đóng góp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, PGS, TS. Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận: "Những nội dung tiến bộ có tính đột phá, đầy sáng tạo của "Khoán hộ" do Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng đã thổi một luồng sinh khí mới làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về lao động, người lao động, về sáng tạo và cống hiến trong tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp".

Người lao động được chủ động, tự do lao động, sản xuất, có điều kiện phát huy mọi khả năng, tiềm năng, khát vọng, sáng tạo, cống hiến. Do đó, Nghị quyết vừa ra đời đã được toàn Đảng, toàn dân Vĩnh Phúc hưởng ứng, tích cực thực hiện và đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước lúc đó nhưng sản xuất nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn có bước phát triển.

Sáng tạo phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc còn nguyên giá trị trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Đồng chí Kim Ngọc (áo trắng) trong chuyến đi với Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Theo đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Chủ trương "Khoán hộ" là một hướng đi tích cực trong việc tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc, tháo gỡ các khó khăn, cản trở trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khắc phục tình trạng "dong công, phóng điểm", không gắn lợi ích với kết quả lao động, tình trạng lãng phí nguồn lực và tiềm năng trong nông nghiệp.

"Tấm gương Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc cho thấy: Muốn có chủ trương, chính sách đúng, người lãnh đạo không thể ban hành chính sách từ bàn giấy, mà phải từ sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của người dân, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhân dân, dám xóa bỏ những nguyên tắc hình thức, những quy định cứng nhắc để thúc đẩy sản xuất phát triển", PGS.TS. Dương Trung Ý cho hay.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quyết định truy tặng Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam" cho đồng chí Kim Ngọc.

Đồng chí Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước và cách mạng, tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trải qua 21 năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Kim Ngọc đã dành tâm huyết, sức lực, thời gian, sức sáng tạo để lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (từ năm 1968 là tỉnh Vĩnh Phú).

Ngày 10/9/1966, dưới sự chủ trì của đồng chí Kim Ngọc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay. Nghị quyết chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong hợp tác xã nông nghiệp, nhằm tạo ra động lực mới trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân và nâng mức đóng góp của địa phương đối với Nhà nước.

Sau 2 năm thực hiện "khoán hộ", năng suất lúa ở tỉnh Vĩnh Phúc tăng vọt, đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh đã cải thiện rõ rệt. Cụ thể, đến cuối năm 1967, Vĩnh Phúc có 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha; sản lượng lương thực quy thóc đạt 222 nghìn tấn, tăng hơn năm trước 4.000 tấn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn