Tri Lễ là một xã thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Xã Tri Lễ có diện tích 205,97 km². Xã Tri Lễ có chiều dài đường biên giới 17 km (tiếp giáp với 2 cụm bản Phà Đánh và Phăn Thoong của nước CHDCND Lào).
Bà Vi Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ, cho biết, trong 5 năm qua, Hội LHPN xã Tri Lễ đã tổ chức xây dựng làm mô hình điểm "Chi hội không có người nghiện và buôn bán ma túy" thu hút gần 60 thành viên tham gia. Đến nay mô hình đã đạt hiệu quả tốt, trong 5 năm qua không có người nghiện.
Cũng theo bà Sinh, những năm tới, Hội LHPN xã Tri Lễ sẽ nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống ma túy nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ em trong các gia đình nghèo vướng vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên về Luật phòng chống ma túy, các kiến thức, nội dung liên quan đến phòng chống ma túy. Thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại địa bàn xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, hướng dẫn các chi hội lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống ma túy vào quy định, quy chế thực hiện xây dựng xóm bản văn hóa và gia đình văn hóa.
Hội LHPN xã Tri Lễ còn chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều hoạt động thiết thực. Đó là: Đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ và con em gia đình khó khăn; hỗ trợ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ đơn thân, tàn tật; phân công đỡ đầu chủ hộ là phụ nữ nghèo dưới nhiều hình thức như cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Trong 5 năm qua, Hội LHPN xã Tri Lễ đã giới thiệu cho 20 người trong độ tuổi lao động vào làm việc tại một công ty lớn, 3 lao động đi làm ăn nước ngoài, 146 người đi làm các công ty doanh nghiệp trong nước, cấp lợn giống cho 5 chị là hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Những năm qua, Hội LHPN xã Tri Lễ cũng chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, đồn biên phòng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ, tập trung tuyên truyền các vấn đề nổi cộm về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống ma túy và các loại tội phạm khác. Tuyên truyền qua nhiều phương pháp khác nhau như: sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tuyên truyền lồng ghép giữa các chương trình với nhiều nội dung khác nhau về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người…
Công tác ở 1 địa bàn rộng, có 33 thôn bản, dân số đông, bản cách bản xa nhau, đường giao thông đi lại khó khăn, tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp, nạn buôn bán ma túy, mua bán người và con nghiện xuất hiện ngày càng nhiều, là nỗi lo sợ của chị em phụ nữ. Sợ không bảo vệ được hạnh phúc gia đình, làm cản trở đến công tác hoạt động hội, dân cư sống rải rác, số chị em phụ nữ mù chữ, mù tiếng còn cao.
"Trước tình hình đó, bản thân tôi không ngại khó, không kể ngày mưa cũng như ngày nắng, ngày nghỉ, tôi thường xuyên đến xóm, bản nắm bắt tư tưởng, nhu cầu nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ để có hướng cho hoạt động hội và phong trào phụ nữ thuận lợi, truyền tải những kiến thức cho chị em phụ nữ nắm, hiểu được quyền lợi khi tham gia vào tổ chức Hội phụ nữ, đạt được những kết quả tốt nhất", bà Sinh chia sẻ.
Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua trong công tác hoạt động hội nói chung và phòng chống ma túy nói riêng, năm 2018, bà Sinh vinh dự được nhận bằng khen từ TƯ Hội LHPN Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, năm nào bà Sinh cũng được tặng giấy khen từ cấp huyện, xã.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn