Nhận thấy thời trang có tác động đến môi trường sống, 3 bạn sinh viên tại TPHCM đã thành lập Nhóm The E-co project nhằm lan tỏa thông điệp "Ngừng tiêu thụ thời trang nhanh - hướng tới thời trang bền vững".
Một yếu tố mà ít ai đề cập đến, đó là "ảnh hưởng của thời trang lên môi trường" đã được nhóm nghiên cứu và đưa ra các hoạt động thiết thực nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ, từ đó giảm thiếu tác động của thời trang đến môi trường sống.
Bạn Nguyễn Thị Thanh Mai (sinh năm 2002), Trưởng nhóm The E-co project cho biết, các hoạt động của nhóm chủ yếu là cung cấp những thông tin về ảnh hưởng của thời trang lên môi trường. Hiện E-co project chủ yếu tập trung vào 3 hoạt động chính: cuộc thi, workshop và không gian secondhand.
Các cuộc thi một phần để thúc đẩy các bạn sinh viên tìm hiểu về sự tác động của thời trang đến môi trường. Còn workshop không chỉ cung cấp thông tin cho sinh viên hiểu về thời trang nhanh và thời trang bền vững mà nó còn là cầu nối trực tiếp giữa dự án với các bạn sinh viên. Workshop giúp các bạn sinh viên hiểu được các mặt khác trong kinh tế, môi trường, tiện lợi, hiệu quả trong việc sử dụng các sản phẩm thời trang.
Đặc biệt, hoạt động "Không gian secondhand" của nhóm rất thiết thực. "Đây là không gian được dùng để trưng bày và ký gửi các sản phẩm của các bạn sinh viên. Bao gồm 2 loại là quần áo thanh lý và quần áo cho tặng. Các quần áo cho tặng phải đảm bảo về tần suất và mục đích sử dụng, không bị rách, cũ. Những sản phẩm không thể dùng có thể được sử dụng cho việc sáng tạo, biến vải thừa thành sản phẩm mới như túi, tranh… những phần vải thừa sẽ được liên kết với bên thứ 3 để xử lý", Thanh Mai cho hay.
Chia sẻ quan điểm về cách thức bảo vệ môi trường hiện nay, thành viên Nguyễn Gia Hân cho rằng, hiện tại các tổ chức và cộng đồng bảo vệ môi trường ở Việt Nam hoạt động sôi nổi, tuy nhiên phần lớn chưa bền vững vì nhiều lý do khác nhau nhưng lớn nhất vẫn là thiếu tài chính. "Để công tác bảo vệ môi trường hiệu quả thì trước hết phải có nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, chính phủ. Các nguồn lực này vừa đảm bảo duy trì và cả tác động của dự án. Các quỹ nên được dùng cho việc giáo dục nhận thức như cuộc thi, sáng kiến, giải pháp cho môi trường ngày một nhiều hơn và có tính truyền thông mạnh mẽ hơn. Nên chúng mình nghĩ ngoài các hoạt động chính là bảo vệ môi trường, cần có thêm hoạt động tự gây quỹ để nuôi dự án" - Lữ Thanh Nên, thành viên Nhóm The E-co project nói.
Còn đối với trưởng nhóm Thanh Mai, thì bảo vệ môi trường giống như việc chúng ta bảo vệ chính cuộc sống của bản thân mình. Các ảnh hưởng đều đặn nhưng gây hại đến môi trường sẽ tác động rất lớn đến sau này. "Một ví dụ điển hình nhất là thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Một môi trường đáng sống là môi trường cân bằng giữa yếu tố kinh tế và môi trường. Xảy ra mất cân bằng về mặt sinh thái sẽ ảnh hưởng lớn đến không chỉ con người mà còn ở các khía cạnh khác. Vì vậy, ngay cả thời trang cũng cần được tính đến tác động của nó tới môi trường", Thanh Mai khẳng định.
Thời gian tới, nhóm The E-co project hướng tới hoạt động truyền thông về thời trang bền vững cho sinh viên thông qua các buổi workshop và chuỗi thử thách dọn tủ quần áo. Mục tiêu của nhóm là sẽ hỗ trợ được khoảng 200 bạn sinh viên hiểu và thay đổi thói quen trong mua sắm quần áo, lan tỏa được thông điệp "Ngừng tiêu thụ thời trang nhanh - hướng tới thời trang bền vững".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn