Cuối tuần vừa rồi, lớp cũ của Thanh Tâm kỷ niệm ngày ra trường bằng hình thức trực tuyến. Giữa những hồi ức thời học sinh trong sáng, hồn nhiên là câu chuyện của những bố mẹ, ông bà nội ngoại với bao trăn trở về một lớp trẻ sung sướng, hưởng thụ và ít nghĩ đến người khác. Thanh Tâm nhớ đến 2 câu chuyện của các bạn đọc chia sẻ với mình, cũng là những câu chuyện của những bà nội - ngoại đang loay hoay không biết làm sao giúp được các con của mình.
Câu chuyện thứ nhất là của 1 bà mẹ chồng. Các con bà cưới đã được gần 3 năm, có một đứa con trai 2 tuổi. Thằng bé trộm vía cứng cáp, giờ đã đi nhà trẻ rất ngoan rồi. Nhà bà hiện có 4 thế hệ cùng chung sống. Con dâu bà ở nhà làm bánh đa. Con trai thì làm phu hồ nên vài tuần mới về nhà 1-2 ngày. Cuộc sống ở quê không nhiều nhu cầu, việc nhà cũng chỉ quanh 2 bữa cơm. Nhưng công việc làm bánh đa đòi hỏi phải chăm chỉ, nhất là khâu phơi sấy phải để tâm, nếu không sẽ chẳng ra mẻ bánh ngon. Vậy mà con dâu bà vẫn như một đứa trẻ mới lớn. Cứ ngơi mẹ chồng để mắt là tót đi chơi. Nhiều hôm đến giờ cơm, bà còn phải đi tìm con dâu mỏi mắt.
Con dâu bà có khả năng ngủ trưa vô địch. Có lần bà cứ để yên không gọi, con dâu ngủ luôn đến tận lúc cụ nội đón chắt ở nhà trẻ về. Còn buổi sáng thì không bao giờ bình minh được lúc 7h, chứ chả mong gì nó dậy nấu cơm hay quét sân, quét nhà. Nhất là lúc nào chồng nó về, hai đứa mất dạng luôn. Chúng thích đi ăn ngoài hàng. Thì thôi vợ chồng lâu ngày gặp nhau cũng muốn được riêng tư, còn thể hiện quan tâm chăm sóc nhau, chúng nó có đi ăn hàng 1 bữa bà cũng chẳng có ý kiến. Nhưng lạ, không bao giờ chúng cho con đi cùng. Nhiều lần vợ chồng đi chợ mua sắm, nào giày, nào quần áo, nào chăn màn, tịnh chả có quà gì biếu cụ, ông bà, đến mua quà cho con cũng quên luôn. Đỉnh điểm khiến bà không chịu nổi là đợt vừa rồi chồng nó được nghỉ làm vì dịch. Thế mà vừa về đến nhà, vợ chồng liền về ngoại chơi rồi cách ly luôn, để cụ và ông bà vừa chăm cháu, vừa nai lưng làm bánh đa.
Câu chuyện thứ 2 là của 1 người mẹ đang oằn mình lo cho con gái. Nó lấy chồng rồi cũng quyết định nghỉ việc. Nó lại có bầu luôn nên mấy tháng sau, bà đã "lên chức" tiếp. Nhà chồng nó cách nhà bà hơn trăm cây số, không phải lúc nào cũng đến thăm con, thăm cháu được, bà bấm bụng cho con 1 cây vàng dắt lưng, phòng khi cần kíp tiền tiêu những lúc cháu ốm đau. Thế mà hơn 2 tháng sau đón con về nhà chăm, bà đã thấy con "trắng tay" rồi. Nó chẳng có công ăn việc làm mà mua sắm cho con đến khiếp. Quần áo, sữa, bỉm, lại còn toàn hàng Nhật cho an toàn. Đón con cháu về nhà có hơn 1 tháng, bà đã tiêu mất hơn chục triệu, là tiền chồng bà mới tát ao trước nhà. Bà sợ quá, lấy cớ ngày mùa bận đồng áng đưa con về nhà nội sớm. Nhưng nào có thoát, cứ thỉnh thoảng lại thấy con gái khóc mếu qua điện thoại. Thế là cứ đều đặn, tháng nào cũng phải tích cóp tiền gửi cho con 2-3 triệu đồng. Mà khốn khổ thân bà, nếu gửi gạo, gửi gà, gửi ruốc là y như rằng nó gọi điện về rên la. Nó đâu cần biết, đó là những thứ bà có sẵn trong nhà, có thể bóp mồm, bóp miệng gửi cho con, cho cháu. Giờ con nó đã hơn 1 tuổi rồi mà vẫn chẳng thấy có dấu hiệu đi xin việc trở lại. Nhớ ngày xưa ông bà cố gắng cho con đi học mong con có cuộc sống ổn định, an nhàn, ai ngờ giờ nó lại đổ đốn ra, chả muốn đi làm, lúc nào cũng vin cớ có con nhỏ, cứ như là cả thế giới có mình nó đẻ con vậy. Lại thêm mùa dịch, chồng nó ít việc, bị giảm lương, hai vợ chồng càng kêu gào thảm thiết. Bà chẳng biết đến khi nào mới hết phải chu cấp cho con.
Thanh Tâm quay trở lại với các bạn. Câu chuyện của mọi người đã chuyển chủ đề nhưng lòng Thanh Tâm vẫn ngổn ngang những trăn trở, thắc mắc. Hình như, trong bài học của các con bây giờ, quá thiếu những điều về trách nhiệm và sự quan tâm đến người khác?!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn