1. Truyện “Alice ở xứ sở thần tiên” có hình ảnh chim do-do - loài chim cùng họ với bồ câu. Chim do-do (hay còn được gọi là chim cưu) được phát hiện từ năm 1507, tại vùng đảo Mauritius thuộc Ấn Độ Dương.
Các nhà khoa học tin rằng, con chim do-do cuối cùng bị giết vào năm 1690. Những thủy thủ và vật nuôi của họ đã bắt, lấy sạch trứng chim cưu. Đó là tất cả những gì tôi đọc được về chim cưu. Loài chim hiền lành, đáng yêu này đã bị tuyệt chủng bởi sự vô tâm của con người.
Và còn nhiều giống loài trên trái đất này, có lẽ, cũng đã bị tuyệt diệt theo cách đó. Vì sự vô tình của con người, vì những áp lực trong quá trình tiến hóa, vì lòng tham vô biên. Có bao giờ bạn tự hỏi, chúng ta đang làm gì với Trái đất của mình?
Giữa vũ trụ bao la, Trái đất là một hành tinh diệu kỳ chứa đựng sự sống. Carl Sagan đã viết những dòng mềm mại như thơ trong cuốn sách Cosmos: “Trái đất - hành tinh xanh đáng yêu của chúng ta, là ngôi nhà duy nhất mà chúng ta biết hiện nay. Sao Kim thì quá nóng. Sao Hỏa thì quá lạnh. Còn Trái đất thì rất vừa phải, một thiên đường cho loài người”.
Xinh đẹp là vậy nhưng Trái đất giờ như một cơ thể đang bị tàn phá không ngừng. Những cánh rừng nguyên sinh dần biến mất, những con sông đầy ắp nước trở nên khô cạn, băng tan ở các bán cầu và bầu không khí trở nên ngột ngạt... Đó là những gì chúng ta đang chứng kiến, không phải trong bộ phim “Ngày tận thế” hay những câu chuyện hoang đường.
Tôi nhớ hình ảnh một chú cá trong đoạn phim tư liệu về thảm họa môi trường mình từng xem. Hàm răng của chú cá giắt đầy nilon. Theo dự báo, đến năm 2025, số lượng túi nilon trôi nổi trên các đại dương sẽ bằng 1/3 số lượng cá.
2. Chúng ta hay nói mình yêu Trái đất nhưng mình đang yêu theo cách nào? Có phải khi nào chúng ta cũng sẵn sàng ngưng sử dụng túi nilon bằng các sản phẩm thay thế? Trời nóng, chúng ta có luôn để điều hòa ở nhiệt độ vừa vặn?
Đoạn đường ngắn, có khi nào ta chấp nhận đi bộ thay cho việc sử dụng xe gắn máy? Có khi nào không, hay suy nghĩ đầu tiên xuất hiện sẽ là: “Trái đất là của chung. Việc giữ gìn cho Trái đất luôn được xanh tươi là việc của những người khác, không phải việc của tôi”.
Đầu tháng 6, tôi đi ngang qua dãy rừng già Trường Sơn. Những ngọn núi bị vạt mất một nửa, màu đất trơ ra trở nên gắt gao dưới nắng. Gió Lào quạt qua khô rát. Tôi nhìn sang những ngôi nhà ven đường, chúng đứng chơ vơ. Cảm giác khó tả ập vào tôi, từ từ nhưng rõ rệt. Bên kia đường, ẩn khuất dưới lùm cây thưa thớt, những em nhỏ ngồi hát đồng dao:
“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy chõ xôi”
Ước mong khi này có màu trắng. Màu của cơn mưa trút nước, màu của chõ xôi mới đầy vun. Nhiều năm tháng trôi qua nhưng ước mong vẫn vậy, thậm chí, còn thiết tha hơn khi khí hậu trên Trái đất ngày càng biến đổi một cách khó lường.
Tôi thích được đi dưới những tàng cây xanh trong rừng, cũng thích cả việc lái xe ngang qua con đường xuyên rừng đầy gió. Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng lao xao như hát của rừng trúc khi chúng tôi chạy xe qua Tây Bắc vào những ngày mình còn cả tuổi trẻ dông dài phía trước. Cảnh vật nơi ấy thật đẹp, tâm hồn chúng tôi khi ấy cũng thật đẹp vì được chìm đắm vào bản hòa ca dìu dặt của tự nhiên.
Nhưng tôi cũng nghe ai đó thầm thì, nếu có thể đi, thì hãy cố gắng đi thật sớm, thật nhanh đến những địa điểm chưa có nhiều người khám phá, trước khi cảnh quan bị làn sóng thương mại hóa ập đến và cuốn sạch những giá trị vốn có. Vậy sau đó thì sao, thế hệ con - cháu chúng ta, chúng sẽ còn lại gì?
3. Chúng ta đang sống trong một mái nhà chung là Trái đất. Mà Trái đất thì chẳng của riêng ai. Ước mong về những ngày mưa thuận gió hòa, về vụ mùa bội thu và bớt đi nỗi lo những ngày giáp hạt chẳng của riêng người phương Đông hay phương Tây.
Tôi sẽ vẽ màu gì cho ước mơ của tôi?
Màu xanh của một cái cây sẽ mang về ô xi và bóng mát? Màu vàng của mùa quả chín trong vườn? Màu đen của phố phường khi thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất? Màu trắng cho những giọt nước được giữ lại để không hoang phí? Màu gì cho những ngày thấy mình dường như quá bé nhỏ giữa cuộc sống này, để có thể đổi thay?
Có những ngày mùa thu, tôi xuống phố, hồ hởi vì màu sương giăng phía trước, và sau đó thất vọng vì thứ tưởng là sương đó hóa ra chỉ là lớp bụi mù, hiện hình của ô nhiễm đô thị. Tôi ngồi trong taxi, đi qua lớp sương ấy, đi qua cái biển điện tử chứa những thông tin về không khí trong thành phố. Sao Kim quá nóng, sao Hỏa lại quá lạnh; còn cuộc sống trên Trái đất ngày càng khắc nghiệt hơn. Vậy thì chúng ta rồi sẽ ở đâu?