Sao Mai Nguyễn Thu Hằng: “Đổi màu” để nới rộng giới hạn bản thân

22:21 | 30/03/2018;
Đằng sau sự nhẹ nhàng và vẻ đẹp dịu dàng của Quán quân Sao Mai 2015 dòng Dân gian Nguyễn Thu Hằng là một sự “lì lợm” của một ca sĩ trẻ cá tính, quyết liệt với nghề.
1.jpg
Nguyễn Thu Hằng là ca sĩ giành ngôi Quán quân trẻ nhất trong lịch sử giải Sao Mai

Cần mẫn lát gạch với nhạc dân gian đương đại

Thu Hằng là giọng ca trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải Sao Mai đăng quang ngôi vị Quán quân, khi chưa tròn 20 tuổi. Mà lại không phải ở dòng nhạc nhẹ, nơi thường tập trung những cô gái xinh đẹp, quyến rũ và tươi trẻ nhất. Nếu từng một lần gặp Thu Hằng ngoài đời, có lẽ ai cũng sẽ chung một câu hỏi: Sao nhan sắc này lại đi hát nhạc dân gian?

Nhưng Thu Hằng lại hát nhạc dân gian và chưa một lần có ý định rời bỏ nó. Cô cặm cụi lên giảng đường, vần vò trong phòng tập, miệt mài làm theo đức tin của riêng mình. Miệt mài như nàng Li-dơ trong cổ tích Bầy chim thiên nga ngồi đan áo tầm gai từ ngày này qua tháng nọ bất chấp những rủa xả, đặt điều lẫn cản ngăn với niềm tin mãnh liệt sẽ giúp được các anh trai của mình thoát lời nguyền phù thủy. Thu Hằng không phải nàng Li-dơ, nhưng cô cũng đang đan một chiếc áo tầm gai cho riêng mình, nuôi tham vọng vượt thoát “lời nguyền” định kiến về dòng nhạc mà cô đeo đuổi, dẫu “bàn tay lã chã trày xước nụ gai đớn đau”.

Mất hơn một năm kể từ sau đêm đăng quang bất ngờ tại cuộc thi Sao Mai 2015, Thu Hằng mới tái xuất công chúng. Hơn 1 năm “mất tích” chính là quãng thời gian cô chọn cách lùi ra ngoài hào quang, rút chân khỏi bệ phóng, quay về với vạch xuất phát để khởi động lại từ đầu. Thu Hằng bảo, việc giành giải Quán quân khiến cô bị “sốc”. Bởi cô chưa từng chuẩn bị cho việc ngự trên đỉnh cao, càng chưa từng lên giây cót đối mặt với dư luận. Nên thay vì loay hoay trụ vững trên đó, cô tìm cách leo xuống. Nhưng leo xuống cũng chẳng xong.

Bao áp lực, bao biến động, và cả những va chạm giữa khát vọng của bản thân với kỳ vọng của những người xung quanh khiến Thu Hằng đã có lúc rơi vào tình trạng cô độc, cảm giác như cả thế giới quay lưng lại với mình. Chỉ loanh quanh một việc là làm thứ mình thật sự thích hay là làm theo kỳ vọng của khán giả, người thân đã là một cuộc đấu tranh căng thẳng. “Tôi từng nghĩ điều may mắn nhất là tôi đã giành giải thưởng khi còn rất trẻ và điều không may mắn nhất cũng là tôi đã giành giải thưởng khi còn quá trẻ”, Thu Hằng nói.

2-hang.jpg
Dân gian đương đại là dòng nhạc Thu Hằng xác định theo đuổi  

Nhưng Thu Hằng lì lợm hơn nhiều vẻ bề ngoài mong manh yếu đuối của mình. Cô chọn làm điều mình thích thay vì điều người ta bảo tốt. Quay trở về việc luyện thanh, rèn kỹ thuật, lắng nghe chính mình, xác định hướng đi và cần mẫn lát từng viên gạch lên con đường mà mình chọn lựa, đó là dòng nhạc dân gian đương đại.  

Cũng có lúc, Thu Hằng liều lĩnh làm khác đi, liều lĩnh đổi màu chính mình. Cũng thử hiện đại, thử sexy, thử showbiz, thử phong cách “nữ hoàng giải trí”. Liều lĩnh thử không phải để rẽ sang đường khác mà chỉ đơn giản là để nới rộng giới hạn của chính mình, để trải nghiệm và để biết mình làm được gì, mình thực sự là ai, mình thực sự muốn gì…

Tìm bình yên, trong lành với nhạc Phật

Ngày 1/4/2018 tới đây, Thu Hằng sẽ cho ra mắt album nhạc Phật có tên gọi Hương đạo. Thêm một lần nữa, cô lại ghi dấu ấn “trẻ nhất” khi là ca sĩ nhỏ tuổi nhất thực hiện album ở dòng nhạc này từ trước tới nay. Nhưng Thu Hằng hát nhạc Phật không phải mục đích tạo nên một “kỷ lục”, mà đơn giản là cô cảm thấy thích, thấy nhẹ nhõm với những bản nhạc, lời ca dịu dàng, thanh tịnh này. Mẹ cô là một Phật tử và từ nhỏ, cô đã hay được theo mẹ đi lễ chùa, âm nhạc Phật giáo cứ thế ngấm vào tâm hồn cô một cách tự nhiên, giản dị.

“Mỗi khi có chuyện buồn hay mệt mỏi, tôi lại nghe nhạc Phật và tìm được cảm giác bình yên, trong lành. Không chỉ thích nghe, tôi còn muốn hát, muốn thể hiện cảm xúc của riêng mình”, Thu Hằng chia sẻ. Cô đã được mời hát nhạc Phật ở khá nhiều chương trình, trong đó có cả Lễ Khánh đản Phật Bà chùa Hương, và được người đón nhận, đánh giá cao về nhạc cảm. Thượng tọa Thích Minh Hiền – trụ trì chùa Hương rất ủng hộ dự án nhạc Phật của Thu Hằng, không chỉ nhận viết lời phi lộ và đặt tên cho album mà còn đồng ý ghi hình MV Lạy mẹ Quân Âm phát hành kèm CD của cô.

5.jpg
Thu Hằng chuẩn bị ra mắt album nhạc Phật "Hương đạo" 

Hát nhạc Phật không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, nhưng lại cần phải có cảm xúc và cái tâm tĩnh lặng thì mới có thể hay được. Thu Hằng nói, khi thực hiện album, cô hát bằng cảm xúc của mình và thấy rất nhẹ nhàng, thư thái. Bản thân cô rất thích album này của mình và cô cũng mong rằng khán giả sẽ cảm nhận được tình cảm chân thành của cô trong từng câu hát. Phát hành album vào dịp đầu năm mới, cô hy vọng sẽ mang đến cho người nghe cảm giác thanh thản, an lạc khi bắt đầu một hành trình...

Lặng lẽ làm thiện nguyện

Không nhiều người biết rằng, Thu Hằng là một ca sĩ rất tích cực làm việc thiện nguyện. Từ trước tới nay, cô chưa một lần chia sẻ với truyền thông về các hoạt động nhân ái của mình, dù mỗi năm cô cùng người thân và đồng nghiệp, thầy cô của mình thực hiện rất nhiều chuyến đi ý nghĩa. Thu Hằng nói, việc chia sẻ phần nào khó khăn với những mảnh đời thiếu may mắn là nhu cầu của chính bản thân cô, là điều cô cảm thấy mình phải làm khi có thể, chứ không phải để “làm màu”, đánh bóng tên tuổi.

Giải Nhất Sao Mai 2015 là một cô gái dễ xúc động. Chỉ cần nhìn thấy cảnh người già phải đi bán hàng rong hay đứa trẻ lem luốc thiếu thốn là cô cảm thấy bứt rứt, cứ muốn làm một điều gì đó giúp đỡ. Nữ ca sĩ nói, cô cảm thấy mình may mắn khi thường được tham gia các chuyến đi hỗ trợ trẻ em nghèo ở vùng cao do gia đình NSƯT Quốc Hưng (Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tổ chức.

2.jpg
Thu Hằng chia sẻ, cô hát cảm xúc hơn từ những chuyến thiện nguyện  

Mới đây, thầy trò cô đã có chuyến đi đáng nhớ tại trường Khuổi Khí (Bằng Thành, Pắc Nặm, Bắc Kạn). Mọi người trong đoàn gom góp tiền bạc, phân công nhau mua áo ấm, chăn, ủng, lương thực... để mang đi san sẻ với những đứa trẻ thiếu thốn. Đoàn lên đường đúng vào dịp mưa lũ, xe tải chở hàng không vào được tới nơi, phải dỡ ra chở xe máy và chuyển bộ vào trường học. Đi bộ cả mấy cây số trên những con đường ngoằn ngoèo dốc và bê bết bùn, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ nghèo co ro trong gió lạnh, bữa cơm đạm bạc trong gian nhà tập thể tuềnh toàng của giáo viên vùng cao, cô thực sự xót xa. “Những lúc ấy, tôi chỉ ước mình có thật nhiều tiền để có thể giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn nhiều hơn nữa”, Thu Hằng thật lòng chia sẻ.

Vào đầu tháng 3 năm nay, Thu Hằng cũng đã cùng nhiều nghệ sĩ như NSƯT Quốc Hưng, Lê Anh Dũng, Dương Cầm... thực hiện một chương trình nghệ thuật từ thiện tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 tại Lai Châu. Tiếp đó, đoàn của cô trao quà cho các em học sinh nghèo tại vùng cao này. “Có trải nghiệm, tôi mới thấy rằng câu “cho để nhận” không hề sáo rỗng. Được san sẻ phần nào với những hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Và tôi biết, mình sẽ hát nhiều cảm xúc hơn từ những chuyến đi như thế”, Thu Hằng nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn