Sập sàn Coolcat: Phụ nữ cần làm gì để tránh “bẫy” đầu tư tài chính qua app?

08:06 | 28/04/2021;
"Không cần bỏ công sức lao động, chỉ cần một chiếc điện thoại và bấm dự đoán giá Bitcoin, giá vàng lên xuống là có thể kiếm bộn tiền". Nghe theo lời dụ dỗ đường mật trên, không ít người đang rơi vào cảnh nhà tan cửa nát khi sàn giao dịch Coolcat bị sập.
"Tôi không biết tìm người của sàn này ở đâu"

Những ngày qua, hàng trăm người tham gia đầu tư trên sàn giao dịch Coolcat tại Việt Nam - một dạng sàn giao dịch vàng, tiền ảo và USD được cam kết bảo hiểm 100% vốn – đang như ngồi trên đống lửa khi ứng dụng này không thể truy cập được. Những người đại diện của sàn cũng biến mất, không thể liên lạc.

Sập sàn Coolcat: Phụ nữ cần làm gì để tránh “bẫy” đầu tư tài chính qua app? - Ảnh 1.

Những lời quảng cáo đầy “mật ngọt”

Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, hiện không chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh mà người chơi tại nhiều tỉnh, thành khác cũng đang làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng về việc sàn này có dấu hiệu lừa đảo. Các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc điều tra sự việc này. Số lượng nhà đầu tư bị lừa ước tính lên tới khoảng 65.000 người (dựa vào số ID của người chơi), thiệt hại lên tới vài ngàn tỉ đồng.

Chị Phương (41 tuổi), một tiểu thương kinh doanh quần áo ở Hải Dương, cho biết, mỗi ngày trừ các chi phí thuê cửa hàng, vốn nhập hàng..., chị lãi được khoảng 300-500 nghìn đồng. Trong lúc lướt mạng, một người lạ giới thiệu chị vào sàn Coolcat. Theo lời giới thiệu, chỉ cần tải phần mềm Coolcat về điện thoại, đăng nhập bằng số điện thoại rồi mỗi ngày bấm dự đoán giá Bitcoin (tiền mã hóa), giá vàng lên hay xuống. Nếu đoán đúng thì nhận được 73% tiền thắng. Nếu thua 6 lần liên tiếp thì phải dừng lại, báo về để được bảo hiểm đền 100%. Chơi dễ, có lãi, chị Phương thử rút thì tiền về rất nhanh. "Tôi bỏ ra 53 triệu đồng mua gói bảo hiểm 100% vốn, ứng dụng hiển thị mỗi ngày nhận về tiền lãi 800 nghìn đồng. Thấy sàn uy tín, kiếm tiền dễ, vậy là tôi mạnh tay đổ thêm 300 triệu đồng vào Coolcat. Sau đó, tôi còn chia sẻ "may mắn" cho bạn bè của mình", chị Phương kể.

Nào ngờ, chị Phương cùng 4 người bạn của mình đầu tư tất cả 1,7 tỉ đồng nhưng chưa tới 3 ngày thì app sập. "Mọi trao đổi của tôi với nhân viên của sàn đều qua ứng dụng Zalo nên giờ không biết tìm người của sàn này ở đâu", chị Phương mếu máo cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ sàn Coolcat hấp dẫn nhiều người chơi là vì lợi nhuận cao, dù giao dịch thua vẫn được bảo hiểm 100% vốn, tức là "an toàn tuyệt đối". Ngoài ra, sàn cũng thưởng hoa hồng cho người giới thiệu lên đến 1,8 triệu đồng, tùy thuộc vào gói bảo hiểm mà người được giới thiệu mua. Đáng chú ý, vào ngày 15/4/2021, hàng loạt người chơi nhận được thông báo, để mừng 6 năm thành lập Coolcat và mừng khai trương chi nhánh tại TP.HCM, sàn quyết định thưởng cho những ai mời bạn bè vào chơi với số tiền thưởng lên đến 2.000 USD (tương đương hơn 46 triệu đồng).

Có thể thấy, sự sụp đổ của Coolcat đang nối dài danh sách các vụ lừa đảo tài chính theo mô hình đa cấp, huy động tài chính qua app. Trước Coolcat là một loạt những app huy động tiền lừa đảo như: One Coin, Skyway, Alibaba, MyAladdinz...

5 điều cần lưu ý

Với trường hợp ứng dụng Coolcat, bà Nguyễn Hà Phương, chuyên gia phân tích đầu tư cao cấp của Quỹ IG Investment, đặt câu hỏi: Khi người chơi thua lỗ 6 lệnh liên tiếp và gửi yêu cầu đến bên bảo hiểm thì sẽ nhận lại 100% số tiền đã thua trước đó. Như vậy, khi giao dịch thắng, bạn sẽ nhận được tiền và khi thua bạn hoàn toàn không mất tiền. Thế số tiền người ta hoàn trả cho bạn được lấy từ đâu? Bà Nguyễn Hà Phương cho rằng, chỉ cần tỉnh táo một chút là người chơi sẽ nhận ra sự "vô lý" và cái "bẫy" trong câu chuyện đầu tư này.

Sập sàn Coolcat: Phụ nữ cần làm gì để tránh “bẫy” đầu tư tài chính qua app? - Ảnh 2.

Hình ảnh Coolcat dùng để quảng bá về việc mở văn phòng giao dịch tại TP.HCM

Bà Nguyễn Hà Phương cho rằng, bằng chiêu trò tung lợi nhuận cao, các đối tượng đã đánh vào tâm lí của những người đang bế tắc trong cuộc sống, làm ăn, muốn kiếm tiền nhanh, đặc biệt là phụ nữ. Và các "nhà đầu tư" khi thấy lợi nhuận ngoài sức tưởng tượng cũng dễ dàng quên đi những lời cảnh báo về những vụ việc lừa đảo từng xảy ra và quên đi cả những đề phòng bình thường.

TS. Nguyễn Thị Huyền, chuyên gia tư vấn tài chính công ty MDS, đưa ra những lời khuyên để người chơi nói chung và phụ nữ nói riêng, không bị rơi vào "bẫy" lừa đảo.

Thứ nhất, nhà đầu tư đừng bao giờ bỏ tiền vào loại hình kinh doanh mà mình không có kiến thức. Khi có cơ hội làm ăn với lợi nhuận cao mà mình chưa hiểu biết thì nhất thiết nên hỏi những người am hiểu trong lĩnh vực này để họ giải thích.

Thứ hai, cần kiểm tra tính pháp lý và uy tín của các sàn, công ty, doanh nghiệp này. Cụ thể: Đăng ký kinh doanh ở đâu? Doanh nghiệp có tài khoản ngân hàng? Có ký hợp đồng với khách hàng không? Công ty được thành lập bởi ai? Uy tín của họ thế nào? Nếu không có những yếu tố này thì nhà đầu tư không được pháp luật bảo vệ.

Thứ ba, tìm hiểu rõ hệ thống vận hành và cách thức tạo ra lãi suất. Chẳng hạn, doanh nghiệp này lấy tiền của nhà đầu tư đi kinh doanh cái gì và hiệu quả kinh doanh ra sao để trả lãi suất cho người đầu tư.

Thứ tư, "không bao giờ có một bữa trưa miễn phí". Vì thế, nhà đầu tư không phải bỏ chất xám, không phải lao động mà lại được hưởng "hoa hồng" cao là điều không thể có.

Thứ năm, cẩn trọng với các lời hứa hẹn lãi suất cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng, bất kể là loại hình đầu tư gì. Thông thường, những sàn hoặc công ty lừa thường có lịch sử hoạt động ngắn dưới 1 năm, rồi sẽ tự đánh sập để lập thương vụ lừa đảo khác.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn