Sát hại phụ nữ - “dịch bệnh thầm lặng” ở châu Âu

14:05 | 04/03/2024;
Chỉ trong vòng 24h ngày 23/2 vừa qua, có tới 5 phụ nữ bị sát hại tại một quốc gia tưởng như bình yên hàng đầu châu Âu với dân số chỉ hơn 8 triệu người. Số liệu cho thấy, thực chất Áo là quốc gia có tỷ lệ sát hại phụ nữ hàng đầu Liên minh châu Âu (EU).
Ngày thứ Sáu đen tối ở Áo

Chính quyền Áo đã mở cuộc điều tra vụ sát hại 5 phụ nữ ở thủ đô Vienna trong ngày thứ Sáu, 23/2, vừa qua. Trong đó, thi thể của 3 người phụ nữ, được cho là công dân Trung Quốc, được tìm thấy trong một tòa nhà ở quận trung tâm Brigittenau sau khi một nhân chứng gọi cho dịch vụ khẩn cấp. Nghi phạm 27 tuổi được phát hiện trốn gần nhà thổ với một con dao trên tay.

 Hãng thông tấn APA của Áo đưa tin, hiện chưa rõ động cơ giết người và nghi phạm vẫn đang bị thẩm vấn.

Klaudia Frieben, lãnh đạo tổ chức "Vòng Phụ nữ Áo" (OFR), đã viết trên mạng xã hội X rằng "ngày này sẽ đi vào lịch sử với tên gọi "thứ Sáu đen tối" với 5 phụ nữ thiệt mạng".

Trong một vụ việc khác, một người mẹ và cô con gái 13 tuổi được phát hiện đã chết trong một căn hộ ở Vienna. APA cho biết, họ có thể bị bóp cổ đến chết và người cha hiện là nghi phạm chính. Cảnh sát vẫn đang truy tìm ông ta.

Bà Eva-Maria Holzleitner, lãnh đạo bộ phận chính sách phụ nữ của Đảng Dân chủ Xã hội (SPO), đã kêu gọi Chính phủ liên bang triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận về nạn giết hại phụ nữ ở Áo. 

Sát hại phụ nữ - “dịch bệnh thầm lặng” ở châu Âu- Ảnh 1.

Cảnh sát Áo điều tra 5 vụ giết hại phụ nữ và trẻ em gái ngày 23/2 vừa qua

Bà Holzleitner nói: "Chúng tôi thương tiếc những phụ nữ bị sát hại, nghĩ đến những người sống sót và kêu gọi một kế hoạch hành động cấp quốc gia nhằm bảo vệ cuộc sống của phụ nữ ở Áo, chống lại bạo lực giới".

Chính phủ Áo tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay các vụ việc này, đồng thời cam kết đưa ra một số biện pháp như tăng tài trợ cho các tổ chức giúp đỡ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cho rằng, chính phủ Áo chưa hành động đủ hiệu quả để ngăn chặn các vụ sát hại phụ nữ. 

Áo hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sát hại phụ nữ cao nhất Liên minh châu Âu (EU). Theo dữ liệu mới nhất về tỷ lệ giết hại phụ nữ ở Áo do Viện Nghiên cứu Xung đột công bố, khoảng 319 phụ nữ đã bị giết ở nước này từ năm 2010 đến năm 2020, chủ yếu là do bạn tình nam hoặc bạn tình cũ. Số vụ kỷ lục được ghi nhận vào năm 2019 với 43 nạn nhân. Có ít nhất 26 vụ sát hại phụ nữ được ghi nhận tại Áo năm 2023.

Thiếu dữ liệu về nạn sát hại phụ nữ ở châu Âu

Đối với bà Katerina Koti, mẹ của Dora Zacharia (31 tuổi), người bị bạn trai cũ sát hại ở Rhodes (Hy Lạp) vào tháng 9/2021 vài ngày sau khi họ chia tay, mỗi thông báo về vụ giết phụ nữ là một bi kịch. Dora là nạn nhân thứ 11 trong năm 2021, sau đó danh sách nạn nhân còn dài thêm.

Sát hại phụ nữ - “dịch bệnh thầm lặng” ở châu Âu- Ảnh 2.

Sát hại phụ nữ - “dịch bệnh thầm lặng” ở châu Âu- Ảnh 3.

Các cuộc tuần hành phản đối nạn giết hại phụ nữ ở châu Âu

 Vào giữa mùa hè năm 2022, có 3 người phụ nữ đã mất mạng trong vòng chưa đầy 48 giờ ở các vùng khác nhau của Hy Lạp dưới bàn tay của bạn tình.

Không chỉ ở Hy Lạp, tại Tây Ban Nha đã xảy ra 4 vụ sát hại phụ nữ chỉ trong ngày đầu năm 2023. Những báo cáo tương tự cũng đang đến từ các nước châu Âu khác, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc hành vi sát hại phụ nữ có nên được coi là một tội ác hay không.

Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE), cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành nghiên cứu và giám sát các chính sách chống bạo lực đối với phụ nữ, đã tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 2020 và kết quả khảo sát dự kiến sẽ được công bố trong năm nay. 

Điều này có nghĩa là EU không có "bức tranh" đầy đủ về những gì đang xảy ra, ảnh hưởng đến "một nửa dân số" của khối này trong 4 năm qua. Theo EIGE, ít nhất 44% phụ nữ ở châu Âu đã từng bị bạn tình bạo hành.

Trong khi đó, dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, từ năm 2020 đến năm 2021, có 6.593 phụ nữ đã bị giết hại ở châu Âu, bao gồm 4.208 vụ do bạn tình và 2.385 vụ do người thân (những số liệu này liên quan đến 20 quốc gia ở châu Âu). 

Sát hại phụ nữ - “dịch bệnh thầm lặng” ở châu Âu- Ảnh 4.

Một nhân viên của “Liên đoàn quốc gia vì đoàn kết phụ nữ Pháp” trực đường dây nóng về nạn bạo lực giới

 Cuộc điều tra được thực hiện với sự tham gia của 18 tòa soạn trong Mạng Báo chí Dữ liệu châu Âu, nhằm làm sáng tỏ các vụ sát hại phụ nữ và bạo lực gia tăng đối với phụ nữ vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, cũng như về sự thiếu hụt dữ liệu về vấn nạn này. 

Theo số liệu điều tra, Hy Lạp có mức tăng số vụ sát hại phụ nữ cao nhất trong 20 nước được điều tra vào năm 2021 với mức tăng 187,5% (từ 8 vụ năm 2020 lên 23 vụ năm 2021). Thụy Điển cũng có "bước nhảy vọt" khi số vụ sát hại phụ nữ năm 2018 tăng 120% so với năm 2017, trong khi Estonia và Slovenia lần lượt tăng 100% vào năm 2015 và năm 2020.

Theo cập nhật từ Bộ Nội vụ Ý, có 125 phụ nữ bị giết hại năm 2022, trong đó 91% vụ giết người do các thành viên trong gia đình, bạn tình hoặc bạn tình cũ gây ra.

Trong số các quốc gia tham gia thu thập dữ liệu và có thể tìm thấy thông tin phù hợp, chỉ có đảo Síp xác định tội giết hại phụ nữ trong hệ thống pháp luật của mình. Năm 2022, Quốc hội Síp đã thông qua luật về tội giết hại phụ nữ. 

Đây là đạo luật đầu tiên ở châu Âu, tích hợp tội giết hại phụ nữ vào Bộ luật Hình sự như một tội phạm riêng biệt, coi các vụ giết người liên quan đến giới là một yếu tố tăng nặng khi áp dụng xử lý các bản án. 

Những nước khác như Hy Lạp, Serbia, Pháp, Áo và Đức không có sự công nhận về mặt pháp lý đối với hành vi giết hại phụ nữ. Tương tự, Ý có tình tiết tăng nặng đối với bạo lực gia đình và bạo lực tình dục nhưng đến nay không có tình tiết tăng nặng nào liên quan đến động cơ giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn