Mỗi ngày, nhìn vườn keo 3 năm tuổi của gia đình mình trôi dần xuống sông Lam, ông Lê Xuân Cần, ở xóm Phú Xuân (xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, Nghệ An), lòng lại như lửa đốt. Theo ông Cần, toàn bộ diện tích 43ha trên bãi bồi sông Lam được ông thầu lại của UBND xã cách đây 3 năm. Hầu hết diện tích này được ông trồng keo, số ít còn lại là trồng hoa màu nhưng tất cả đang có nguy cơ bị xóa sổ.
"Tôi chưa đo đạc chính xác nhưng ít nhất 4ha keo đã bị sông Lam cuốn trôi. Sông vẫn đang tiếp tục ngoạm vào đất sản xuất. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, hàng chục hecta cũng sẽ trôi sạch. Tôi thầu lại bãi bồi với thời hạn 5 năm nhưng mới được 3 năm đã mất vô số cây keo. Mỗi ngày nhìn thấy vườn cây cứ mất dần, tôi xót xa vô cùng", ông Cần nói.
Theo quan sát của PV, tại khu vực trồng keo của gia đình ông Cần, sạt lở đã tạo thành vách đất kéo dài cả nghìn mét từ xã Trung Phúc Cường đến xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên). Nhiều cây keo của ông Cần đã bị tụt xuống lòng sông Lam. Mỗi lần có thuyền lớn chạy qua, từng mảng đất lại bị rơi xuống sông.
Theo ông Cần, nguyên nhân khiến đất canh tác của người dân đang bị sạt lở nghiêm trọng là do tình trạng hút cát trên sông Lam. "Năm 2022, tỉnh Nghệ An đã cấp phép cho một đơn vị khai thác cát trên sông Lam, đoạn qua xã Trung Phúc Cường.
Mặc dù vị trí hút cát nằm cách xa bờ nhưng do hút sâu nên đã khiến dòng chảy thay đổi, dẫn đến tình trạng sạt lở. Sau khi hàng nghìn cây keo của tôi bị sạt xuống sông, chủ mỏ cát đã đồng ý bồi thường 4ha, mỗi ha là 75 triệu đồng nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nhận được tiền", ông Cần cho biết.
Cũng theo ông Cần, một nguyên nhân khác gây sạt lở nghiêm trọng là tàu hút cát trộm. Những tàu này hút cát sát bờ, ngay cạnh vườn keo của gia đình ông, khiến lòng sông đang bị "moi ruột", bờ sông rỗng chân nên hàng nghìn mét đất sát bờ bị sạt.
Đã nhiều lần phát hiện tàu hút cát trộm, ông Cần lập tức đuổi đi nhưng khi ông rời đi, tàu tiếp tục quay lại hút. Ban đêm là lúc ông Cần cảm thấy bất lực nhất. Tàu ngang nhiên hút cát, thậm chí, không ít lần ông Cần còn bị những "cát tặc" đe dọa hoặc dùng đá ném. Những lúc đó, ông phải gọi điện thoại "cầu cứu" chính quyền địa phương để họ điều lực lượng chức năng ra xua đuổi.
Ông Võ Trọng Kỳ, người cùng thầu đất bãi để sản xuất cùng ông Cần, cho biết, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng khoảng 2 năm nay. "Từ năm 2022, sạt lở bắt đầu lấn vào khu vực đất trồng keo của tôi. Khu vực đất bị sạt lở dài khoảng 400m, lấn sâu vào hơn 35m. Tôi đang làm đơn gửi các cơ quan chức năng, mong sớm có giải pháp, nếu không bãi bồi, nơi sản xuất của người dân, sẽ bị xóa sổ", ông Kỳ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết, bãi bồi bờ sông Lam đang bị sạt lở nằm ở khu vực giữa cầu Yên Xuân mới và cầu Yên Xuân cũ, thuộc địa bàn 2 xã: Long Xá (huyện Hưng Nguyên) và Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn).
Diện tích bãi bồi sản xuất thuộc địa bàn xã Trung Phúc Cường lên tới 200ha nhưng khu vực sạt lở chỉ tập trung ở khu vực đất của gia đình ông Cần và ông Kỳ.
Vị lãnh đạo xã Trung Phúc Cường này cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là do tình trạng hút cát. "Từ khi triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, năm 2022, tỉnh Nghệ An đã cấp phép cho Công ty MCK khai thác tại bãi bồi Xuân Hòa, rộng khoảng 14ha, nằm trên địa bàn xã. Khu vực ông Cần đang sản xuất một phần nằm trong vùng mỏ đã được cấp phép nên xảy ra tình trạng sạt lở".
Ông Nguyễn Văn Hòa cũng thừa nhận, việc ông Cần phản ánh về nạn hút cát trộm là chính xác. Theo đó, có một số tàu đã lợi dụng khu vực mỏ để trà trộn vào gần khu vực cấp phép và hút trộm cát. Chính quyền xã đã nhiều lần phát hiện và xua đuổi nhưng không đủ thẩm quyền xử lý, phương tiện hỗ trợ cũng không có nên việc đuổi tàu hút trộm cát chỉ là giải pháp tạm thời.
"Mới đây, cơ quan chức năng đã bắt quả tang và xử phạt 2 thuyền hút cát trái phép. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt xử lý, nếu không tình trạng sạt lở bờ sông sẽ còn diễn ra khiến địa phương mất dần đất sản xuất", ông Hòa chia sẻ.
Trong khi đó, ông Võ Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Long Xá (huyện Hưng Nguyên), cũng cho biết, bãi đất dưới chân cầu Yên Xuân (mới) của xã trước đây rất rộng. Hằng năm, khi mùa lũ về là có hiện tượng sạt lở nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, bờ sông Lam qua địa bàn xã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến vùng đất này bị thu hẹp một diện tích rất lớn.
Trung bình hàng năm, nước sông cuốn trôi từ 500m2 đến 1.000m2 đất. Tỉnh Nghệ An đã tiến hành kè một số đoạn nhưng những đoạn chưa được kè vẫn tiếp tục bị lở.
Xã Long Xá có trên 100ha đất bãi sản xuất nhưng năm nào cũng bị "khuyết" đi một ít. Nếu không có đoạn kè bê tông thì có thể còn mất nhiều hơn.
"Mong muốn của người dân cũng như chính quyền là hiện có khoảng 500 mét bờ sông chưa được kè sẽ tiếp tục được kè chắn để bảo vệ đất sản xuất. Chúng tôi đang thực hiện giải pháp trồng cây ngăn lở nhưng mỗi lần lũ từ thượng nguồn đổ về, cây lại bị trôi. Giải pháp trồng cây không khả quan", ông Chiến nói.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Long Xá, cho biết thêm, trước tình trạng bờ sông Lam gây sạt lở bãi bồi xã Long Xá, phòng Nông nghiệp của huyện Hưng Nguyên đã về khảo sát, nắm tình hình và báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An nhưng hiện chưa có giải pháp.
Theo kết quả khảo sát của Đoàn quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi tỉnh Nghệ An, có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến sạt lở bờ sông Lam. Thứ nhất là nhóm nguyên nhân do yếu tố địa hình, địa chất, gồm các yếu tố vật liệu bờ, hình thái bờ có tác động lớn đến sự xói mòn đất và sạt lở của bờ sông Lam. Nhóm thứ 2 là các yếu tố khí tượng thủy văn.
Nhóm này tác động đến lưu lượng và lưu tốc dòng chảy, tạo sự sai khác về hướng chảy sau hợp lưu, tạo xoáy ngầm và hiện tượng hàm ếch. Nhóm cuối cùng là do tác động của con người. Thông qua việc đào bới, san lấp để xây dựng các công trình như xây nhà ở, làm đường giao thông, khai thác cát, sỏi, xây dựng các thủy điện, khai thác rừng đầu nguồn đến cạn kiệt…
Trong 3 nhóm nguyên nhân nói trên, nhóm thứ 3 có tác động tiêu cực lớn nhất. Nó vừa tác động trực tiếp lên bờ sông, vừa tác động gián tiếp lên các yếu tố thuộc hai nhóm kia; làm thay đổi quy luật dòng chảy và sức công phá của lũ.
Theo chuyên gia thủy lợi Nguyễn Như Huy, việc khai thác rừng ồ ạt, thiếu khoa học, phá rừng đầu nguồn để làm nương rẫy đến cạn kiệt trong những thập kỷ trước, đã làm gia tăng biến đổi khí hậu, tăng mức xói mòn, rửa trôi đất, gây hiện tượng bồi lấp cục bộ, phân dòng cực đoan.
Một số công trình xây dựng tự phát ven bờ vô tình tạo "bức kè" chỉnh trị dòng chảy không hợp lý, gây thiệt hại khi lũ lớn. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở một số nơi gây sụt lún, sạt lở bờ sông Lam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn