Sát ngày thi, cha mẹ vẫn không ngừng thúc con học

06:50 | 20/06/2017;
Sát ngày thi THPT quốc gia 2017, tâm lý của nhiều thí sinh càng nặng nề hơn khi mọi người trong gia đình không ngừng gây áp lực bằng cách nhắc đi nhắc lại kỳ vọng: Kiểu gì cũng phải đỗ vào ĐH top đầu đấy!
Sát kỳ thi THPT Quốc gia 2017, nhiều thí sinh phải "gánh" áp lực quá lớn từ gia đình. Ảnh minh họa

Gần ngày thi, lẽ ra được nghỉ ngơi để tâm lý thoải mái nhưng Trần Bảo Thiên (Nguyễn Du, Nam Định) lúc nào cũng “ru rú” trong phòng ôm sách học. Bởi càng sát ngày thi, bố mẹ em càng giục học nhiều: "Cố lên con, mấy ngày này quan trọng lắm. Con phải đỗ ĐH Bách khoa đấy. Chỉ có học trường đấy sau này mới dễ xin việc…".

Thỉnh thoảng, ông bà đến chơi lại “động viên” cháu: "Những đứa học ở quê mà còn đỗ ĐH Bách khoa. Cháu học trường chuyên mà trượt thì xấu hổ lắm".

Các dì và cậu ở Hà Nội cũng rủ nhau về để “tiếp lửa” cho cháu: "Chịu khó “chạy nước rút” trong mấy ngày cuối này. Cháu là niềm tự hào của cả gia đình. Chỉ có đỗ ĐH Bách khoa, cháu mới khiến cả nhà vui…

Nghe nhiều kỳ vọng đến mức Thiên… phát sợ. Cậu tìm cách trốn ăn cơm vì không muốn đối diện với những lời động viên của người thân.

Với mọi người, đó là sự quan tâm, động viên để em có động lực, phấn đấu nhưng với em, đó thực sự là áp lực nặng nề. Áp lực ấy khiến em lo đến mất ăn mất ngủ bởi em phải gánh trọng trách rất to lớn: Không được làm mất mặt ông bà, bố mẹ bởi, từ trước đến nay, em là niềm tự hào của hai bên nội, ngoại.

Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, các em cứ đi thi một cách bình tĩnh bởi đời còn nhiều con đường để đi. Ảnh minh họa

Giống như Thiên, sát ngày thi, nhiều thí sinh cảm thấy vô cùng lo lắng. Điều khiến các em sợ hãi là nếu không làm bài tốt, nếu trượt các trường danh tiếng thì bạn bè cười chê, gia đình thất vọng.

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, nếu bắt cậu bé cao 1,7m phải nhảy qua cái xà 2m, cậu bé ấy khó mà tự tin nổi. Nhưng nếu mục tiêu chỉ là 1,3m - vừa sức, cậu ấy tự tin hơn rất nhiều.

Điều này có nghĩa là, nguyện vọng của em phải vừa sức hoặc thậm chí thấp hơn một chút (khoảng 1-2 điểm so với năng lực em có thể đạt tới), chắn chắn em sẽ cảm thấy tự tin hơn. Do đó, khi có kết quả thi, các em nhớ điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp với sức mình thôi, đừng bắt mình với lấy mục tiêu quá sức. Điều đó, giống như bắt một cậu bé đứng trên cát lún mà nhảy, chắc cậu sẽ khóc ròng.

Nếu ôn tập kỹ, kiến thức chắc, giải bài ổn, chắc chắn thí sinh sẽ tự tin hơn nhiều khi đối diện kỳ thi. Nhưng cậu bé đó có cái bệnh tưởng tượng, Chưa nhảy mà cứ hình dung cảnh bị té, gãy chân, bị chấn thương sọ não, sẽ đạp trúng gai... thì sẽ bị mất bình tĩnh. Vậy, em đừng tự hù dọa bằng cảnh bạn bè cười chê, gia đình thất vọng... Mà hãy hình dung đến những môn em giỏi, kiến thức em chắc, những phần mà em sẽ đạt được điểm dễ dàng.

Ngoài ra, bạn tốt là người sẽ an ủi, thông cảm cho bạn mình chứ không phải cười chê. Gia đình nếu có thất vọng thì em phải có phương án 2, 3, 4... để gia đình hy vọng. Nếu nhắm trượt đại học tốp cao, em nguyện vọng đại học tốp giữa hoặc tốp dưới. Nếu không thì vào cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Nếu không vào đâu được thì đi học nghề thực tế, trong các cửa hàng, các nhà xưởng, trong các cơ sở dạy nghề.

Vì thế, các em cứ đi thi với tâm thế bình tĩnh, tự tin bởi đời còn nhiều con đường để đi. 

Lịch thi kỳ thi THPT quốc gia 2017:

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn