Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) vừa công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019- 2020. Theo kết quả công bố, chiều cao của thanh niên Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi. Năm 2020, chiều cao của nhóm nam thanh niên đạt 168,1cm, tăng 3,7cm so với năm 2010 (164,4 cm). Bên cạnh đó, chiều cao của nhóm nữ thanh niên đạt 156,2cm, trong khi con số này năm 2010 là 154,8cm (tăng thêm 1,4cm).
Trước những băn khoăn về vấn đề chiều cao ở nữ giới sau 10 năm qua, GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - đã có những chia sẻ. Theo GS Lê Danh Tuyên, chiều cao đạt được ở nữ thanh niên Việt Nam tuy chưa bằng Nhật Bản (158cm), Hàn Quốc (161,1cm) hay Singgapore (160cm) nhưng cũng không nhỉnh hơn so với Philippines (155,6cm) và Indonesia (155,4cm). "Tất nhiên chúng ta không so sánh với các nước Hà Lan, Pháp hay Mỹ. Nếu so với các nước có điều kiện kinh tế, môi trường sống tương tự thì chiều cao nữ giới thanh niên Việt Nam không hề thấp. Mức tăng 1,4cm sau một thập niên tính chung cho cả cộng đồng nữ thanh niên là mức vừa phải, không quá nhanh nhưng không chậm. Nếu cứ duy trì mức chênh lệch chiều cao đạt được giữa thanh niên nam và nữ là 12cm thì vẫn trong giới hạn bình thường, thậm chí với nữ nước ta là khá tốt", Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của TS. Lê Danh Tuyên, nếu nhìn vào mức độ tăng chiều cao sau 10 năm giữa 2 cuộc Tổng Điều tra dinh dưỡng thì thấy mức tăng 1,4cm ở nữ thanh niên thấp hơn so với mức tăng 3,7cm ở nam thanh niên. Tuy vậy, các số liệu thống kê đơn thuần trên các chủng tộc người khác nhau đều chỉ ra, thường chiều cao của nam cao hơn nữ 13cm. Như vậy thì mức chênh lệch giữa nam thanh niên và nữ thanh niên nước ta hiện nay xấp xỉ 12cm là bình thường. "Lý do vì sao nam cao hơn nữ đã được giải thích rõ là do đặc tính lượng hormone testosterone ở nam giới tăng cao hơn nữ giới trong thời kỳ tăng tốc cũng như do chính đặc điểm cặp nhiễm sắc thể X ở phụ nữ. Một ví dụ chiều cao đạt được nam thanh niên Nhật Bản hiện nay là 172cm thì số liệu đó ở nữ là 158cm, chênh nhau 14cm - mức chênh này cao hơn so với Việt Nam hiện nay", TS. Lê Danh Tuyên cho biết.
Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF, kiêm Trưởng đại diện FAO - nhận định, Việt Nam đang đối mặt với 3 gánh nặng đồng thời về dinh dưỡng gồm: suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Theo con số mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% - mức dưới 20% - được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Như vậy, tiếp nối kỳ tích giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 19,9% vào năm 2008, tức là Việt Nam đã về đích trước 7 năm so với chỉ tiêu mà Mục tiêu Thiên niên kỷ - MDGs - đặt ra đến năm 2015, thì đến nay Việt Nam đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu, giảm 40% suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em đến năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, ở các vùng nông thôn và miền núi tỷ lệ này còn ở mức cao.
Đối với tình trạng dinh dưỡng trẻ em tuổi học đường 5 - 19 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi hiện còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Theo GS. Lê Danh Tuyên, để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở nữ giới thì phụ nữ phải được trang bị kiến thức dinh dưỡng trước khi bắt đầu làm mẹ. Ngay từ lúc có thai phải ăn uống đầy đủ theo Tháp dinh dưỡng dành cho phụ nữ có thai và giai đoạn cho con bú thì theo tháp tương tự. Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày vàng tức là từ lúc thụ thai đến khi trẻ 2 tuổi là giai đoạn quyết định phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi đồng thời là giai đoạn quyết định đến chiều cao lúc trưởng thành. Bà mẹ cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng đặc biệt là viên sắt mà khi đi khám thai định kỳ sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn.
GS. Lê Danh Tuyên cho biết: "Để đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng toàn cầu, hiện nay Bộ trưởng Bộ Y tế đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040. Nội dung của Chiến lược tập trung giải quyết các vấn đề dinh dưỡng đã được Tổng Điều tra dinh dưỡng chỉ ra. Đó là vấn đề đảm bảo cơ cấu bữa ăn hợp lý cho các đối tượng khác nhau, không để xảy ra thiếu vi chất dinh dưỡng. Đồng thời tích cực tập trung phòng chống và tiến tới thanh toán suy dinh dưỡng ở các vùng khó khăn. Đẩy mạnh giáo dục dinh dưỡng và thực hiện các Mục tiêu dinh dưỡng trong Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam luôn luôn cam kết thực hiện".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn