Sau chia tay, tìm người khác thay thế sao cho văn minh?

20:16 | 31/07/2023;
Không có tình cảm nhưng vẫn tìm đến người mới để thế chỗ người cũ, đây vẫn luôn là tình huống gây tranh cãi.

Hậu chia tay luôn là thời gian khó khăn với bất kỳ ai và nhiều người cũng khó tránh khỏi cảm giác trống rỗng. Đối mặt với những cảm xúc này, có người chọn cách lao vào công việc hay thú vui mới, có người để bản thân chìm vào đau khổ và cũng không ít người tìm một người mới thế chỗ. Và gây tranh cãi nhất chính là trường hợp cuối cùng.

Trong tiếng Anh có một từ dùng để mô tả việc tìm người thay thế này là “rebound”. “Rebound” không nhất thiết phải là tình yêu mà chỉ đơn giản là đi tìm người mới để quên đi người cũ. Trong mối quan hệ này, họ không ngừng nói về người cũ, chỉ xem người mới là thế thân và không mấy để tâm đến việc xây dựng mối quan hệ mới. Đây cũng chính là những lý do khiến cho “rebound” gây tranh cãi.

Vậy sau chia tay, tìm người thế chỗ ra sao cho văn minh? 

Vấn đề này đã được Liz Kim Cương (Phan Kim Cương, sinh năm 1993), Jackie Njine (Jacques Njine, sinh năm 1994) và Quý Somsen thảo luận trong một talkshow mới đây. 

Sau khi chia tay, tìm người thay thế ra sao cho văn minh? - Ảnh 1.

Jackie Njine, Liz Kim Cương và Quý Somsen

Theo đó, khi được Quý Somsen hỏi rằng nên “rebound” thế nào để mình và người yêu cũ đều không bị tổn thương, cả Liz Kim Cương và Jackie Njine đều khẳng định ở thời điểm này, người cũ không còn quan trọng nữa. Thay vào đó mình phải làm sao để người mới không bị tổn thương mới đúng. 

“Việc đầu tiên là mình nên cất người yêu cũ vô tủ. Mình không còn quan trọng suy nghĩ của người yêu cũ tại vì cũ rồi là cũ thôi. Hơn nữa, cứ nghĩ đến người cũ cũng nguy hiểm. Tức là mình cứ suy nghĩ rằng phải làm sao để người yêu cũ không bận lòng về mình thì đôi khi lại là hành động dư thừa” - Jackie chia sẻ.

Liz Kim Cương cũng đồng tình với quan điểm này và bổ sung thêm: “Người cũ thì cũng đã chẳng còn liên quan gì đến mình nữa, tại sao mình lại cứ phải vấn vương, phải làm hài lòng với người cũ? Trong khi đó người cần được hài lòng là người đang tốt hơn và mới đến với mình thì mình phải dành hết tất cả sự quan tâm của mình cho người mới mới đúng, không phải là dành hết sự quan tâm của mình cho người đã làm tổn thương mình”.

Còn để văn minh với người mới khi “rebound”, Jackie cho biết sau một mối quan hệ tình cảm, mỗi người đều phải lớn hơn, học được điều gì đó để khi gặp người mới, mình sẽ là người tử tế hơn, văn minh hơn và hiểu chuyện hơn. Theo Jackie, đó chính là cách tôn trọng người mới. 

“Đương nhiên mình cũng không có thể nào trách nhiệm tới mức sẽ chắc chắn làm người mới vui được, vì tình cảm thì không đảm bảo được. Nhưng ít nhất là mình văn minh với họ, đó là cái quan trọng nhất. Và để làm được điều đó, hai bên nên thẳng thắn và chân thật với nhau về định hướng của mối quan hệ mới. Nếu đối phương cũng chỉ muốn rebound thì 2 người cũng cùng hướng, không ai có lỗi với ai, có chơi có chịu. 

Có thể đến lúc nào đó, rebound có thể định nghĩa là một trạng thái. Đó là trạng thái mình đang không muốn yêu lâu dài, chỉ muốn có một mối quan hệ để không cảm thấy trống trải thôi. Nếu mình gặp được người cũng đang có nhu cầu như vậy thì sẽ không ai làm tổn thương ai, không ai đi ngược với mong muốn của ai. Và nếu lỡ như cái mối quan hệ đó nó không suôn sẻ thì cả hai cũng phải chấp nhận luật chơi” - Jackie nói.

Sau khi chia tay, tìm người thay thế ra sao cho văn minh? - Ảnh 2.

Jackie Njine

Tổng kết những quan điểm của Liz Kim Cương và Jackie, Quý Somsen nói: “Một trong những cách rebound lành mạnh là mình phải thẳng thắn cho đối phương biết nhu cầu của mình trong thời điểm đó là gì. Mà thật ra để thẳng thắn được như vậy thì mình sẽ phải trải qua một cái giai đoạn là nhận thức được mình đang muốn rebound. 

Có những người họ sẽ rebound một cách vô tình. Nên vẫn phải ngồi xuống tự hỏi mình xem là trạng thái cảm xúc của mình đang là như thế nào và quan trọng nữa là không nên nghe ai nói với mình là ‘Đừng nên rebound’ hay ‘Đừng nên yêu người yêu mới sau khi mới chia tay’ hay ‘Yêu như vậy là quá sớm’. Tại vì họ sẽ không bao giờ hiểu được trạng thái cảm xúc của mình và cái nỗi đau của mình tại thời điểm đó. Họ chỉ thấy được từ những cái có thể từ sách vở hay từ những câu chuyện họ biết được từ người khác và áp đặt, phóng chiếu nó lên mình. Họ làm cho mình cảm thấy mất đi tự tin hay là mình không sẵn sàng. Chỉ có bản thân của mình mới biết được rằng là mình muốn gì mình sẽ làm gì”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn