Chuyển phôi là "chặng đường cuối cùng" trong hành trình thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Đây là lúc các bà mẹ luôn cảm thấy hồi hộp, lo lắng và mong muốn làm những điều tốt nhất để có con.
Trong giai đoạn sau chuyển phôi, các bác sĩ thường khuyên mẹ nên giữ gìn sức khỏe thể chất và cả tinh thần để nuôi phôi. Trong đó, chế độ dinh dưỡng được xem là một trong những yếu tố quyết định khả năng mang thai của người phụ nữ. Do đó, những câu hỏi như "Chuyển phôi xong ăn gì thì tốt"; "Sau chuyển phôi cần kiêng thứ gì?" được nhiều người quan tâm.
Nhiều thông tin cho rằng "sau khi chuyển phôi nên ăn nhiều thịt bò mỗi ngày để lấy sức nuôi phôi", khiến cho bao bà mẹ tin tưởng, gắng sức ăn thịt bò thật nhiều. Tuy nhiên theo bác sĩ Trương Quang Hải (tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Sản phụ khoa tại ĐH Y Hà Nội và Micro tese tại ĐH Münster CHLB Đức): Đây là lời khuyên sai lầm, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Bác sĩ Hải cho biết, thịt bò là thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa. Trong khi đó, chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể. "Trong quá trình chuẩn bị chuyển phôi, lượng thuốc nội tiết chứa thành phần estrogen là quá nhiều khiến mỡ máu đã tăng cao. Việc nạp thêm mỡ xấu khiến tăng khả năng tạo cục máu đông, gây tắc mạch, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi", bác sĩ Hải nói.
Hơn nữa việc ăn quá nhiều thịt bò còn có thể khiến người mẹ gặp các vấn đề về tiêu hóa như là rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày.
"Sau khi chuyển phôi, thịt bò và các loại thịt nói chung có thể dùng với lượng tuần 1-2 lần. Mỗi tuần có thể ăn khoảng 100g chứ không nên ăn quá nhiều", bác sĩ Hải chia sẻ.
Theo bác sĩ Quang Hải, các loại thịt nạc như thịt gà và cá là lựa chọn tốt nên ăn sau khi chuyển phôi. Những thực phẩm giàu protein này có ít axit béo bão hòa và cholesterol. Các loại cá là lựa chọn ưu tiên vì chúng giàu axit béo omega-3, điều rất cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của thai nhi.
Bác sĩ nhấn mạnh việc xây dựng một chế độ ăn lành mạnh rất quan trọng, không chỉ ở giai đoạn sau chuyển phôi mà ở tất cả mọi người, mọi lứa tuổi và giới tính. Khẩu phần ăn lành mạnh ưu tiên nhóm thực vật hữu cơ: rau củ quả tươi sạch, theo mùa. Bổ sung đầy đủ các nhóm chất như là: tinh bột, đạm, vitamin, chất béo…
Bác sĩ Hải cho biết, sau khi chuyển phôi người mẹ nên:
- Giảm bớt muối, gia vị khi nấu ăn.
- Cần kiêng các thức ăn sống, thức ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn.
- Kiêng ăn hải sản vùng nước sâu vì chúng có thể chứa nhiều thuỷ ngân.
- Kiêng thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn, thức ăn nhanh vì chúng ít vitamin và lại dư thừa dư lượng chất bảo quản.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Với người trưởng thành: chế độ ăn lành mạnh bao gồm:
- Quả chín, rau xanh, đậu đỗ, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lức/gạo lật, lúa mì, lúa mạch, ngô chưa tinh chế).
- Ít nhất 400 gam rau quả mỗi ngày (không tính các loại củ như khoai, sắn và các củ tinh bột khác).
- Đường tự do chỉ được chiếm dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày. Việc đó tương đương với 50g đường (khoảng 12 thìa con) cho một người lớn khỏe mạnh có mức tiêu thụ năng lượng 2000 calo một ngày. Lý tưởng nhất là ăn dưới 5% (một nửa mức nêu trên) để có những lợi ích hơn về sức khỏe. Đường tự do là những loại đường được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống bởi nhà sản xuất, trong quá trình pha chế và chế biến đồ ăn/uống, cũng như đường tự nhiên có trong mật ong, các loạt mật, siro, nước trái cây tươi và nước trái cây cô đặc.
- Chất béo chiếm dưới 30% năng lượng của khẩu phần. Chất béo chưa bão hòa (chưa no) có nhiều trong cá, quả bơ và các loại hạt (hạt hướng dương, đậu tương, oliu) là tốt nhất.
- Ăn dưới 5 gam muối (tương đương với một thìa con) mỗi ngày. Nên sử dụng muối ăn có bổ sung iot.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn