Ngày 21/2, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận nhiều bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng nặng. Nguyên nhân là do những ngày Tết, người dân mải lo Tết nên dù có bệnh cũng cố chờ đến sau Tết mới đi khám. Bên cạnh đó, do thói quen sinh hoạt, tập luyện đảo lộn, tâm lý vui chơi hết mình trong ngày Tết khiến nhiều bệnh nhân hết Tết bệnh cũng nặng thêm.
Tại khoa Điều trị Tích cực (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu do các biến chứng về đái tháo đường tăng mạnh. Các biến chứng gồm gan, thận, nhiễm trùng, đặc biệt là biến chứng hoại tử chi, có khả năng phải cắt bỏ.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, khi được hỏi, nhiều bệnh nhân cho rằng, do tâm lý kiêng khám bệnh trong Tết nên cố gắng ở nhà. Hơn nữa, Tết là dịp sum họp nên đôi khi việc ăn uống, thói quen uống – tiêm thuốc bị đảo lộn, thời gian nghỉ kéo dài, không kịp thời đến viện để điều trị nên khiến bệnh nặng thêm.
Trong số các bệnh nhân phải vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều trị, có bệnh nhân Nguyễn Văn T., (47 tuổi, ở Thái Bình) phát hiện đái tháo đường 5 năm. Dịp Tết vừa qua anh T. bị va chạm xe máy gây ra vết thương ở bàn chân. Anh tự điều trị bằng kháng sinh tại nhà nhưng không đỡ, nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, bàn chân trái hoại tử, chảy dịch hôi, sưng nề.
Còn bệnh nhân Nguyễn Mạnh H. (65 tuổi, ở Sơn La) mắc đái tháo đường mạn tính. Dịp Tết, để chữa chứng tê bì chân tay, ông đã ngâm chân bằng nước lá trầu không. Sau khi ngâm, chân ông xuất hiện tình trạng sưng tấy, loét bàn chân phải, chảy mủ kèm sốt cao 41 độ. Khi vết loét lan rộng, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu.
Cùng 2 bệnh nhân trên, còn nhiều bệnh nhân tiểu đường khác bị biến chứng nặng do ăn uống không kiêng khem hoặc ngại đi khám dịp Tết.
Cũng theo bác sĩ Thiện, lễ, Tết là dịp sum họp, gặp gỡ gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần duy trì thói quen uống thuốc và tập luyện để tình trạng bệnh không tiến triển theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, không được sử dụng các bài thuốc gia truyền, truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng... Việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì cũng cần hết ssức thận trọng và được kiểm soát; không nên sử dụng phương pháp này đối với bệnh nhân đái tháo đường.