Chỉ đạo trên vừa được đưa ra tại cuộc họp khẩn giữa Thành ủy Hà Nội với các ban, ngành, các lực lượng chuyên môn thành phố diễn ra tối 2/11 để kiểm điểm, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy quán Karaoke tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy ngày 1/11 và tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.
Như chúng tôi đã đưa tin, vào chiều 1/11 vừa qua đã xảy ra một vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại quán Karaoke 68 Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong, thiệt hại gần chục tỉ đồng.
Sau vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này, các cơ quan chức năng của thành phố đang khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân và đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tối qua, 2/11 Thường trực Thành ủy Hà Nội đã triệu tập họp khẩn với các ban, ngành, các lực lượng chuyên môn TP. để kiểm điểm, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy nhà tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy ngày 1/11, tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố.
Sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội đã ra quyết định tạm dừng cấp phép mở karaoke, vũ trường. |
Tại cuộc họp, Thường trực Thành ủy đã nghe báo cáo, kiểm điểm của các lực lượng hữu trách về kết quả điều tra, khắc phục hậu quả vụ cháy được đánh giá là rất nghiêm trọng và hậu quả hết sức đau xót này. Thay mặt lãnh đạo TP. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, chỉ đạo tiếp tục tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nạn nhân trong vụ cháy, làm tốt công tác ổn định tình hình tư tưởng cho người dân trên địa bàn.
Trước mắt, từ ngày 05/11/2016, các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ tạm dừng cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn; kiểm tra, xử lý, tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm theo quy định, xử lý những cơ sở không có khả năng tiếp cận khi xảy ra sự cố cháy. Yêu cầu tất cả các điểm vui chơi giải trí... phải trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC, sử dụng các vật liệu chống cháy theo quy định, công khai sơ đồ thoát hiểm và hướng dẫn lối thoát hiểm cho người dân trước khi sử dụng các dịch vụ.
Cũng cần xem xét, rút kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn, chú ý quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, hiệu quả của lực lượng PCCC, có giải pháp giải quyết triệt để những tồn tại trong công tác này.
Các cấp ủy, chính quyền quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy bằng các hình thức đa dạng, dễ tiếp thu; chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn, tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu hộ cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ.