Trong quá trình trưởng thành, trẻ không tránh khỏi việc mắc phải sai lầm. Một số cha mẹ vì quá nôn nóng "uốn nắn" con mà có hành động đánh mắng. Đây không phải là phương pháp giáo dục hữu hiệu và thường được các chuyên gia giáo dục nhắc nhở cha mẹ không nên áp dụng.
Tuy nhiên, vẫn có cha mẹ vì mất bình tĩnh mà đánh mắng con. Cha mẹ lưu ý, nếu sau khi bị đánh mắng, con có những phản ứng bất thường sau thì phải cẩn thận, nghiêm túc xem xét lại hình thức kỷ luật của mình.
Nếu trẻ bắt đầu đánh trả, mắng lại thì cha mẹ phải có hành động ngăn chặn kịp thời. Vì lúc này, trẻ đã bắt đầu thách thức quyền lực và nảy sinh thái độ thù địch với cha mẹ. Nếu cứ tiếp tục đánh mắng trẻ thì mối quan hệ cha mẹ - con cái sẽ bị rạn nứt. Uy quyền của cha mẹ cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nếu trẻ bắt đầu dùng tay đánh trả cha mẹ, xúc phạm cha mẹ bằng những lời lẽ không đúng mực thì điều đó có nghĩa trẻ không còn tôn trọng cha mẹ. Thậm chí trẻ đang có xu hướng bạo lực. Điều này rất nguy hiểm.
Trong trường hợp này, cha mẹ có thể dùng lời lẽ ấm áp để bày tỏ sự quan tâm đến trẻ, chủ động hạ thấp tư thế của mình, để trẻ cảm nhận được tình cảm. Trên cơ sở này, cha mẹ giao tiếp để thấu hiểu nhu cầu tâm lý của trẻ, từ đó tìm ra những giải pháp giáo dục tích cực hơn.
Cha mẹ cũng nên cảnh giác nếu con bắt đầu giữ thái độ vô cảm và im lặng sau khi bị mắng. Điều này đồng nghĩa với việc con cái đã mất lòng tin vào cha mẹ, và sự kỷ luật của cha mẹ đã tạo ra khoảng cách tâm lý khiến trẻ nép mình, không muốn giao tiếp. Nguyên nhân là do sự đánh mắng của cha mẹ đã gây cho trẻ rất nhiều tổn thương lòng.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần giao tiếp với trẻ một cách kiên nhẫn và cố gắng tạo dựng lòng tin. Hãy nói chuyện trực tiếp, bày tỏ sự quan tâm, phân tích khi trẻ làm sai và cùng trẻ tìm ra cách giải quyết, thay vì chỉ nóng vội mắng mỏ.
Sau khi bị cha mẹ đánh mắng, một số trẻ sẽ thu mình lại và xin lỗi theo phản xạ. Điều này không có nghĩa là trẻ đã thực sự nhận ra mình sai ở đâu. Trẻ chỉ xin lỗi vì sợ hãi cha mẹ và mong việc đánh mắng sẽ kết thúc càng nhanh càng tốt.
Nếu cha mẹ nhận thấy phản ứng này ở con cái thì nên tìm kiếm nguồn gốc của vấn đề về mặt tâm lý. Thay vì trách mắng, cha mẹ cần kiên nhẫn, bao dung hơn, giúp trẻ hiểu ra lỗi lầm của mình và tự soi xét bản thân.
Cha mẹ muốn con mình lớn lên khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi kỷ luật con cái, một số cha mẹ lại bỏ qua sự phát triển tâm lý của con. Hãy nhớ rằng, giáo dục bằng đánh mắng có thể tác dụng nhất định trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ.
Vì vậy, trong cách giáo dục con cái, cha mẹ nên xem xét nguyên nhân sâu xa, tập trung vào kỷ luật tích cực, tránh đánh mắng. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cần dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, như vậy cha mẹ mới có thể nuôi dạy con trưởng thành lành mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn