Chị Thanh Tâm thân mến!
Vợ chồng tôi bằng tuổi, đều 30. Chúng tôi đã có một bé gái hơn 2 tuổi. Tôi thuộc tuýp người tham vọng, luôn quay cuồng suy nghĩ kiếm tiền... Hồi tìm hiểu nhau, tôi cảm thấy chồng mình cũng là một người bình tĩnh.
Bằng chứng là mỗi khi gặp khó khăn, anh ấy không hề cuống và thường nói “Những điều khó hơn thế anh còn trải qua rồi, việc này không là gì…”. Cũng vì lí do đó cho nên tôi mới quyết định đến với anh. Tôi hi vọng, một người đi lên từ hoàn cảnh khó khăn, nếu được hỗ trợ và tạo điều kiện thì chắc chắn anh ấy sẽ phát triển.
Tuy nhiên, sau khi cưới, tôi hoàn toàn bị vỡ mộng. Chồng tôi là một người vô tâm. Có khi anh ấy chỉ cầm điện thoại cả ngày để chơi game. Đến công ty chỉ làm đúng những việc được giao, không bao giờ chủ động học hỏi, tìm kiếm cơ hội... Về nhà lại càng không đụng đến việc lớn việc nhỏ, giúp đỡ vợ con.
Vừa lười vừa nhụt chí như thế nhưng cứ trước mặt bạn bè, đặc biệt anh em nhà anh là chồng tôi lại tỏ ra mình hơn người. Thái độ của anh ấy đã khiến nhiều người ngộ nhận về anh. Họ thường hỏi vợ chồng tôi vay tiền, nhờ xin việc làm... khiến tôi khó xử.
Trong khi tình cảm vợ chồng của chúng tôi ngày càng xấu thì trong một lần đi họp lớp, tôi gặp lại một người bạn cũ. Sau đó chúng tôi có hẹn nhau đi café, đi ăn, đi xem phim... Tôi đồng cảm hơn khi biết cậu ấy là một người có chí.
Mặc dù chúng tôi đã thống nhất chỉ giữ tình cảm ở mức trong sáng, không làm gì có lỗi với gia đình. Nhưng gần đây, trong một lần đi xem phim, người bạn đó đã ôm và hôn tôi. Mà lúc đó chính tôi cũng thấy rung động và không hề kháng cự. Giờ đây tôi rất lo ngại, không biết phải tiếp tục mối quan hệ này như thế nào. Xin chị cho tôi một lời khuyên. Liệu tôi có nên tiếp tục tiến xa hơn với người ấy? Nguyễn Vũ Thắm (Hà Nam)
Vũ Thắm thân mến!
Nếu bạn buồn vì chồng lười, thất vọng vì chồng nhụt chí, bực bội vì chồng khoe khoang... tóm lại là cảm thấy không hài lòng về chồng mình, thì bạn có quyền lựa chọn: Một là từ bỏ (ly dị). Hai, tìm mọi cách để cảm hóa anh ta. Hoặc đơn giản là thay đổi từ chính bạn.
Những cặp vợ chồng vẫn còn tình cảm thường chọn cách cảm hóa, thay đổi lẫn nhau. Tất nhiên việc này nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Nếu như ngay sau đám cưới, bạn phát hiện ra chồng có những biểu hiện khiến cho mình không hài lòng, hoặc các bạn vấp phải những xung đột đầu tiên, thì ngay lập tức nên dừng lại và cùng giải quyết.
Việc một trong hai bên thẳng thắn bày tỏ quan điểm sẽ giúp cho người còn lại ý thức được đâu là vấn đề của đối phương, khi chung sống với nhau cái gì có thể làm theo ý mình, cái gì cần phải tuân thủ theo nguyên tắc chung hoặc nguyên tắc của bạn đời, từ đó để từ từ thích ứng. Ngược lại, nếu bạn không bày tỏ, có thể chồng bạn sẽ không bao giờ tự nhận ra mình mắc lỗi gì và nghĩ đến chuyện sửa đổi.
Cho nên, việc bạn cần làm lúc này chính là ngồi lại. Dù muộn, vẫn nên nói chuyện thẳng thắn với chồng, vạch rõ cho anh ấy hiểu giới hạn cuối cùng của mình, những điều bạn có thể và không thể chấp nhận? Bạn muốn anh ấy thay đổi và thay đổi thế nào...
Trong một vài trường hợp, bởi vì người vợ quá giỏi giang, quán xuyến tốt và quyết định hết mọi chuyện trong gia đình nên người chồng ỉ lại. Cho nên, nếu bạn muốn chồng thay đổi thì cũng nên hiểu và uyển chuyển trong hành động, cách cư xử của mình. Hãy tế nhị hỗ trợ, giúp đỡ chồng để anh ấy chuyển biến tích cực.
Trong trường hợp bạn đã cố hết sức nhưng chồng bạn không thay đổi thì khi ấy bạn có thể nghĩ đến phương án li hôn và tìm kiếm cho mình những cơ hội mới.
Vấn đề cuối cùng của Thắm, chắc bạn hiểu, ôm- hôn đại diện cho điều gì? Hành động ấy chứng tỏ giao kèo “giữ tình cảm ở mức trong sáng” của các bạn đã bị phá bỏ. Nếu như bạn vẫn tiếp tục muốn tiến xa hơn với người đàn ông ấy thì hãy xác định rằng đó chính là con đường dẫn tới ngoại tình và những nguy cơ tan vỡ... Điều này không tốt cho ai cả, bạn nên cân nhắc về hành động của mình.