Trong số 15 ca dương tính với chủng virus nCoV 2019 tại Việt Nam, đã có 6 người khỏi bệnh và ra viện. Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1- Bệnh nhân nhiễm virus corona chỉ được phép cho ra viện khi có 2 điều kiện dựa trên 2 tiêu chuẩn
- Thứ nhất: Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, tức là bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, các chỉ số trở về bình thường
- Thứ hai là đảm bảo sau khi xuất viện, mầm bệnh không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Như vậy, người nhiễm virus corona được ra viện khi các chỉ số sinh học trở về bình thường và phải trải qua 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV liên tiếp (không phải lúc âm, lúc dương mới được chứng nhận khỏi bệnh hoàn toàn) và không còn virus trong người kể cả đường tiêu hóa.
Cũng theo chuyên gia khẳng định, bệnh nhân mắc virus corona được điều trị khỏi và ra viện không còn khả năng lây lan cho người khác, cộng đồng tránh lo lắng dẫn đến những thông tin bịa đặt, gây hoang mang.
Vì thế, những bệnh nhân mắc Corona đã điều trị khỏi cho ra viện, cộng đồng không nên lo lắng. Bệnh nhân sẽ không còn khả năng lây lan cho người khác. Ngoài ra, các ca nhiễm bệnh được điều trị khỏi và xuất viện không cần cách ly và không lo tái nhiễm.
Thậm chí, chuyên gia còn cho rằng đây là những người an toàn nhất vì họ đã có miễn dịch với virus corona. Miễn dịch này có thể có tác dụng trong thời gian dài, thậm chí suốt đời.
Trong thời điểm dịch bệnh đang được kiểm soát như ở Việt Nam, nhưng nhiều người vẫn không biết mình đang ở nguy cơ nào khi việc tiếp xúc vẫn xảy ra.
Sau khi tiếp xúc với người có nguy cơ gây bệnh đến lúc phát bệnh là từ 2- 14 ngày. Trong thời gian ủ bệnh, người mang mầm bệnh có thể lây lan cho người khác nhưng với tỷ lệ thấp.
- Không phải ai nhiễm virus corona đều phát bệnh, tức là họ không có triệu chứng
- Những người không có biểu hiện, xét nghiệm thấy dương tính nhưng nếu sức đề kháng tốt sẽ không phát bệnh và không có triệu chứng.
Một trong các yếu tố đánh giá bệnh là tỷ lệ tử vong. Đến nay, nCoV thì chỉ 2% tử vong, còn 98% không tử vong và có những người mắc rất nhẹ. Vì thế người dân không nên hoảng sợ, lo lắng dịch mà bình tĩnh nhưng không chủ quan.
Virus nCoV vẫn chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn do cấu tạo của virus này chỉ bám vào giọt bắn. Giọt bắn có thể xa hơn 1,5m nên bác sĩ Vinh có khuyến cáo nên đứng xa 2m khi nói chuyện lớn là biện pháp ngăn ngừa hít trực tiếp.
Một trường hợp ở Trung Quốc, tiếp xúc với người mang mầm bệnh chỉ trong 15 giây đã nhiễm virus corona. Điều này cho thấy việc hạn chế tiếp xúc với giọt bắn giúp giảm thiểu nguy cơ gây bệnh.
Hiện nay, cộng đồng đổ xô đi mua khẩu trang và thậm chí lạm dụng khẩu trang, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho những người khác. Các chuyên gia khuyến cáo, việc đeo khẩu trang là một việc làm cần thiết, tuy nhiên không phải đeo 24/24h và không nhất thiết đeo khẩu trang trong mọi trường hợp.
Ngoài khẩu trang 3M hoặc các loại khẩu trang chuyên dụng giúp phòng tránh vi khuẩn, virus thì các loại khẩu trang vải, khẩu trang giấy cũng giúp hạn chế giọt bắn.
- Chỉ nên đeo khẩu trang nếu đi vào môi trường có mức độ lây nhiễm cao như bệnh viện, nơi tụ tập đông người. Không nhất thiết phải đeo khẩu trang trong văn phòng làm việc, khi ngủ....
- Đeo khẩu trang đúng loại không bằng đeo khẩu trang đúng cách.
- Đeo và tháo khẩu trang đúng cách khiến virus corona không có cơ hội xâm nhập vào hệ hô hấp. Nếu vô tình đeo sai hoặc tháo khẩu trang sai cách có thể tăng nguy cơ nhiễm bệnh do virus dính trên tay.
Bộ Y Tế và WHO khuyến cáo: Đeo khẩu trang cần đeo mặt màu xanh (hồng, đen...) ở bên ngoài, mặt màu trắng đeo bên trong vì có khả năng thấm nước.
Khẩu trang có 2 bờ trên và bờ dưới. Bờ trên có kim loại uốn theo vòng mũi. Đeo khẩu trang xong thổi mũi xem có bay lên không nếu bay lên là khẩu trang chưa kín. Khi đeo tay không chạm vào bề mặt khẩu trang, không vò khẩu trang lại mà dùng hai dây chạm vào khẩu trang và cho vào thùng rác có nắp đậy.
Ngoài ra, đeo khẩu trang không giúp bạn phòng tránh virus corona nếu không kết hợp với việc rửa tay và các phương pháp phòng tránh khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn