Sau ly hôn, mẹ xót lòng vì phải xa con ngàn cây số

12:43 | 24/04/2018;
“Đau khổ nhất, tôi bị nỗi nhớ giày vò khi phải xa con”, chị Trần Thị Liên, 32 tuổi, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) nhớ lại hơn 2 ngàn ngày mẹ con sống xa nhau hơn ngàn cây số. Trong những ngày con khóc trước mẹ khóc sau, người mẹ đơn thân ấy vẫn mong mỏi ngày đoàn tụ để có hạnh phúc ấm áp.
Con khóc trước, mẹ khóc sau
Chị Liên ly hôn vào đầu năm 2014, hai mẹ con dắt díu nhau vào Bình Dương. “Tôi ly hôn vì phát hiện chồng sống với người phụ nữ khác. Cú sốc tinh thần rất lớn, tôi không còn nghĩ được gì ngoài việc ôm con rời quê nhà” - chị Liên ngậm ngùi kể - “Lúc đó, đọc báo, tôi thấy có công ty của Hàn Quốc ở Bình Dương tuyển công nhân. Vậy là mẹ con tôi mang theo ít tiền tích góp được lên tàu vào Nam. Cả nhà ngoại khuyên can nhưng tôi nghĩ, tay chân mình lành lặn, có sức khoẻ, cứ có việc làm là mẹ con sống được”.
Vào Bình Dương, theo mấy người bạn mách, chị tìm được phòng trọ 550 nghìn đồng/tháng, tìm nơi gửi con học mầm non 750 nghìn đồng/tháng. Lương tháng đầu, chị được 4,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì cao hơn. Số tiền cũng chỉ đủ để hai mẹ con trang trải cho cuộc sống.
Mỗi lần đi làm ca đêm, chị đều gửi con cho bạn học cũ (làm chung công ty) cùng dãy nhà trọ. Có hôm chị phải tăng ca, 4h sáng, cô bạn đưa con chị đến lớp hộ. “Nghĩ lại những ngày đó, tôi vẫn thương con”, chị Liên ôm chặt con gái hơn 6 tuổi ngậm ngùi kể. 
Được 6 tháng, ông ngoại vào thăm, thấy cảnh hai mẹ con như vậy, ông cứ ôm chặt cháu khóc. Ông nhất quyết đòi đưa cháu về quê để ông bà ngoại trông nom cho cháu đỡ khổ, một phần cũng để con gái yên tâm đi làm. “Hai mẹ con lần đầu tiên xa nhau, bao nỗi nhớ nhung giằng xé tôi mỗi ngày, nước mắt chảy mãi cho đến lúc thiếp đi. Có lúc tôi muốn bỏ tất, để được về với con, được ôm con trong vòng tay”, chị Liên nghẹn ngào nhớ lại.
me.jpg
Ảnh minh họa
Bạn bè động viên, ai cũng bảo rồi sẽ quen nhưng đến 5- 6 tháng liền, mỗi lần chị gọi điện về, cứ con khóc trước mẹ khóc sau. Thấy vậy, bà ngoại còn cấm chị gọi điện vì sau mỗi lần ấy, con bé lại buồn rầu, lầm lì, ai hỏi đến lại khóc cả ngày đòi mẹ.
Có hôm bà ngoại gọi điện kể: “Có ai như con Tít nhà mày, ngồi xem bà nhặt rau sau vườn, thấy mấy con gà mẹ và gà con ăn gần đấy, tự nhiên nó hỏi: “Bà ơi, tại sao mấy con gà nhỏ kia chỉ có gà mẹ mà không có gà bố?”. Chiều nào đi lớp về, nó cũng xách ghế ra trước sân, nhìn ra cổng, nơi ngày trước mẹ ở nhà hay đi làm về đường đó, mặt buồn rười rượi...” Nghe bà nói xong, Liên bảo: “Thôi nhá mẹ!” rồi ôm mặt khóc vì nhớ, thương con.
         
Không muốn mẹ con phải xa nhau lâu hơn nữa
“Từ đó đến nay, bao ngày xa con là bấy nhiêu ngày tôi phải đấu tranh tư tưởng, bao nhiêu lần đưa con vào Bình Dương, lại bao lần ông bà ngoại nhất quyết đưa cháu về quê”. 1 năm chị thu xếp về quê với con tới 4 - 5 lần. Mỗi lần về, là mỗi lần háo hức, mỗi lần đi lại một lần bịn rịn, quay lưng trong nước mắt, lòng đau và thương con đến tê dại.
“Bao nhiêu thời gian xa con là bấy nhiêu lần tôi lủi thủi nhốt mình trong phòng khóc. Nhất là vào những ngày sinh nhật của con tôi không có mặt bên cạnh”, chị Liên nhớ lại. Không hiểu từ bao giờ, mỗi lần đi chợ, thấy con búp bê nào đẹp chị lại mua. Những món đồ chơi con gái thích chất đầy góc phòng trọ. Khi lòng trống trải vì nhớ con, chỉ cách đó mới giúp chị vơi đi phần nào. Dù ở xa, nhưng chị tự mình đi chọn sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, bánh trái... rồi đóng thùng gửi về quê cho con gái.
619-02675057en_masterfile.jpg
Ảnh minh họa
 
Hàng ngày, Liên nói chuyện với con như những người bạn. “Trước đây, tôi gọi điện về còn sợ cảnh mẹ con khóc lóc sụt sùi, nhưng bây giờ ngày hai lượt, trưa và tối, mẹ con gọi video nói đủ thứ chuyện”. Theo chị Liên, đó là chị tạo cảm giác mẹ con vẫn gần gũi hằng ngày, hơn nữa là bày cho con cách sống, sắp xếp sách vở, vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt... “Có hôm, tôi vẫn phạt con đứng úp mặt vào góc nhà, và con vẫn thực hiện đàng hoàng, mặc dù mẹ con ở cách xa nhau 1.300km”, chị Liên đã cười khi tâm sự. Con ở nhà làm gì sai, bà ngoại bảo gọi điện mách mẹ, bà chưa kịp mách, con đã biết gọi mẹ, tự nhận lỗi.
Hàng tuần, chị Liên cũng dành thời gian điện thoại cho cô giáo của con để nắm bắt tình hình con đi học. 6 tuổi, con nặng 18kg, thuộc dạng còi ở lớp. Lần nào chị gọi điện, cô giáo cũng khen tính con cẩn thận, nhanh nhẹn nhất lớp, học khá, là học sinh gương mẫu... Chỉ thế thôi, chị cũng đủ thấy lòng ấm áp.
Chị Liên cho biết, hè này chị sẽ đón con gái vào Bình Dương với mẹ, chị không muốn mẹ con phải xa nhau lâu hơn nữa. Chị tâm sự, tuổi thơ của con không bao giờ quay trở lại thêm một lần, con đã thiệt thòi đủ đường rồi, ông bà giờ cũng già yếu hơn, những năm tháng khó khăn nhất của hai mẹ con cũng đã qua, chị muốn ở thật gần để mang hạnh phúc ấm áp đến cho con gái nhỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn