Ngày 23/11, BV Việt Đức cho biết, thời gian gần đây BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị trương cơ lực ở các vị trí khác nhau trong cơ thể. BV cũng đã xin hỗ trợ và được nhận 4.500 đơn vị botulinum toxin dùng để tiêm cho 8 người bệnh bị loạn trương lực cơ.
Mới đây nhất, BV tiếp nhận bệnh nhân L.Đ.S. (60 tuổi, ở Hà Nội) đến khám trong tình trạng co cứng cơ sau chấn thương sọ não, đã được phẫu thuật dẫn lưu não thất ổ bụng 2 lần. Tay và chân người bệnh bị co cứng gây khó khăn trong việc vệ sinh và tập phục hồi chức năng. Ngoài ra, sinh hoạt cá nhân của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiêm botulinum toxin để điều trị. Sau tiêm, cơ người bệnh mềm ra, tầm vận động của khớp được cải thiện. Người bệnh đã có thể ngồi được xe lăn, tập đi, tập đứng, sinh hoạt và tự vệ sinh cá nhân dễ dàng hơn.
Trường hợp thứ 2 là N.N.H, là sinh viên năm cuối của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Bệnh nhân cho biết, trước đó không may bị chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông, bệnh loạn trương lực cơ co cứng ở tay đã làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của H. Tuy nhiên, sau khi được tiêm botulinum toxin, tình trạng bệnh của H. đã được cải thiện rõ rệt, có thể duỗi thẳng các ngón tay.
Bên cạnh bệnh loạn trương lực cơ ở chân, tay, mi mắt, nửa mặt, người bệnh còn hay gặp tình trạng này ở cổ. Anh T.Q.H. đến khám tại BV trong tình trạng loạn trương lực cơ cổ. Đây là một bệnh lý nguyên phát khiến cho người bệnh bị đau, sinh hoạt khó khăn. Sau khi được tiêm botulinum toxin, tình trạng bệnh nhân cải thiện, các cơ được vận động tốt hơn.
Bác sĩ Ngô Thị Huyền, Khoa Nội Hồi sức thần kinh (BV Việt Đức) cho biết, bệnh loạn trương lực là bệnh rối loạn vận động của hệ thần kinh. Bệnh có biểu hiện co cơ liên tục hoặc lặp đi lặp lại ngoài ý muốn, tạo tư thế bất thường của một vùng hay nhiều vùng khác nhau của cơ thể. Tỷ lệ mắc loạn trương lực khoảng 1/2000 dân.
Cũng theo bác sĩ Huyền, loạn trương lực có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào trên cơ thể. Các thể lâm sàng loạn trương lực thường gặp gồm: Co thắt mi mắt, loạn trương lực hàm miệng. Trong đó, loạn trương lực cổ (làm cho cổ bệnh nhân bị xoay/gập/ngửa thường xuyên về một bên); loạn trương lực tay (khi người bệnh viết/chơi nhạc cụ thì cổ tay hoặc ngón tay bị gập lại làm cho động tác viết khó khăn, thường bị nhận định nhầm thành bệnh lý của khớp hoặc hội chứng chèn ép ống cổ tay); Loạn trương lực phát âm (người bệnh phát âm ngắt quãng khó nghe) hoặc thậm chí loạn trương lực toàn thể.
Nguyên nhân loạn trương lực là do rối loạn chức năng của các nhân xám trong não. Các tình trạng bệnh có thể gây ra tổn thương nhân xám TƯ gồm: Viêm nhiễm hệ thần kinh, u não, đột quỵ, bệnh não thoái hóa, bệnh di truyền. Các trường hợp loạn trương lực không tìm thấy căn nguyên được coi là loạn trương lực vô căn (loạn trương lực nguyên phát). Các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân và điều trị căn nguyên bệnh để làm giảm triệu chứng và chấm dứt quá trình bệnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn