Sinh ra trong một gia đình chẳng có gì ngoài nợ nần, tôi nếm trải đủ vị cuộc sống từ khi mới 2 tuổi. Ông bà ngoại phản đối mẹ lấy bố nên không nhận cháu, ông bà nội thì giàu nhưng keo. Thế là cả nhà tôi sống trong nghèo khó. Bố mẹ tôi còn chẳng có đám cưới đám xin nào.
Bởi có quá nhiều áp lực nên bố tôi dần buông xuôi. Ông chìm trong rượu chè thuốc lá để quên đi cuộc sống đói khổ. Kiếm được 3 đồng thì cả 3 đồng ông đều tiêu phí hết. Mẹ tôi thì gồng mình bán hoa quả ở chợ đầu mối, khó khăn lắm mới đủ tiền giật gấu vá vai. Gần như suốt tuổi thơ bữa cơm nào tôi cũng thấy bố mẹ cãi lộn. Nhiều lần mẹ nhét quần áo vào túi định bỏ đi, nhưng ra đến cửa chẳng biết về đâu nên mẹ lại gục đầu xuống khóc.
Tôi lên 5 tuổi thì mẹ không chịu đựng được nữa. Bà dắt tôi ra đi vào một đêm mưa gió. Bố uống rượu say về đánh cả vợ lẫn con, tuy không đến mức nặng tay nhưng cũng chạm đến giới hạn cuối cùng của mẹ. Tôi vẫn nhớ hôm ấy lạnh thấu xương, mẹ chỉ kịp quấn cho tôi cái áo cũ rồi chạy ra sạp hàng ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau mẹ gom hết tiền đi thuê cái nhà trọ nhỏ tí, bắt đầu cuộc sống mới còn vất vả hơn trước.
Tôi biết hoàn cảnh của mình nên chẳng bao giờ đòi hỏi. Đi học không có bạn thân, hết giờ lại về phụ mẹ bán quán cháo. Gần như chẳng có thú vui gì nhưng có lẽ đó là khoảng thời gian êm đềm nhất của mẹ con tôi.
Mẹ đẻ sớm nên khi tôi học cấp 2 trông bà vẫn xuân sắc. Nhiều chú hàng xóm lẫn khách quen đàn ông đều cố ý ghé qua liên tục. Đa số toàn trêu mẹ vì thấy bà ở một mình nuôi con. Mẹ tôi chẳng bao giờ đáp lại, chỉ cười xã giao trước những lời cợt nhả vô duyên.
Nhưng trong số đó có một người khác biệt hoàn toàn. Chú ấy không trêu chọc mẹ nửa lời, chỉ ghé qua đều đặn mỗi sáng, gọi một bát cháo lòng rồi đi. Thi thoảng chú hỏi thăm vài câu về cuộc sống của 2 mẹ con. Chưa bao giờ tôi thấy chú đi quá giới hạn như nhiều người đàn ông khác.
Rồi một lần chú bất ngờ ghé thăm tặng mẹ con tôi túi quà ăn Tết. Chú xin số của mẹ để thi thoảng nhờ mang cháo qua cho bà nội chú.
Chừng vài tháng thì tôi thấy mẹ hơi lạ. Bà cười nhiều hơn, vui vẻ yêu đời và còn hát nữa. Tôi đủ tinh tế để hiểu chuyện gì xảy ra. 1 năm sau khi quen nhau, mẹ và chú tổ chức đám cưới.
Lần này chẳng ai phản đối nữa. Gia đình bố dượng rất tốt, mọi người chào đón mẹ con tôi nhiệt tình. 3 năm sau tôi có thêm 2 cậu em cùng mẹ khác cha nữa. Gần như tôi quên luôn mình từng có quá khứ buồn tủi với một người cha ruột cục cằn.
Trong khi em út Tôm rất ngoan và lành như cục bột thì thằng Cá anh nó lại trái ngược hoàn toàn. Cá nghịch phá từ nhỏ khiến bố mẹ đau đầu. 15 tuổi Cá đã dám đem xe đạp của Tôm đi bán lấy tiền tiêu vặt. Nó còn móc trộm con heo đất của tôi, bị mẹ bắt quả tang thì nó bỏ nhà đi 2 ngày làm cả gia đình tôi lo lắng. Lên lớp 12, Cá bỏ học, bố mẹ tôi đành chiều ý để nó ở nhà phụ bán hàng.
Thế nhưng mỗi việc trông quán nó cũng chẳng buồn để tâm. Lúc nào thằng Cá cũng chơi game điện thoại, khách đến gọi đồ hay tính tiền nó đều trả lời trớt quớt. Có lần gặp đám thanh niên hư hỏng, vào ăn hết cả menu xong quỵt tiền bỏ đi. Thằng Cá bị mẹ mắng, nó lại doạ bỏ đi nhưng dượng vác roi ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.
Dù chán thằng Cá lắm nhưng không ai vứt bỏ nó được. Ruột thịt gia đình thì cắt đứt kiểu gì! Cho đến ngày dượng xảy ra chuyện, mẹ tôi mới quyết định không nhận mặt Cá nữa.
Hôm ấy tôi đang đi làm thì cậu ruột gọi điện báo tin sét đánh. Trên đường đi làm về dượng tôi bị ô tô đâm, xe máy nát bét, còn dượng thì văng xuống lề đường bất tỉnh. Chân tay dượng đều gãy, thương tích khá nghiêm trọng. Nghe bác sĩ nói tình hình xong, mẹ tôi ngất xỉu tại chỗ. Tôi cũng run muốn quỵ, dượng mà có mệnh hệ gì thì cả nhà sống sao?!?
May mắn sau 3 lần mổ thì dượng đã dần bình phục. Không nguy hiểm tính mạng nữa nhưng phải mất rất lâu chân tay mới lành lại. Từ một người đàn ông khoẻ mạnh vui vẻ, dượng trở thành bệnh nhân bó bột quấn băng khắp người. Mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ, tôi với mẹ thay phiên chăm vì nhà chẳng còn ai.
Tôm năn nỉ xin vào viện trông bố nhưng mẹ bắt nó phải đi học. Còn thằng Cá thì biệt tăm không ai biết nó đi đâu. Hôm dượng bị tai nạn cả nhà gọi mãi, nó tắt máy đến bây giờ đã 3 tuần rồi.
Hôm qua bỗng dưng tôi nhận được cuộc gọi lạ. Thì ra bạn thằng Cá gọi báo tin mang tiền đến chuộc xe cho nó. Ngay trước lúc dượng nằm viện nó đã ăn cắp tiền ở quán của mẹ, chôm luôn chiếc xe ga rồi bỏ ra quán net chơi game. Nó nướng hết sạch tiền vào mấy trò đỏ đen trên mạng, gán cả điện thoại lẫn xe cho chủ tiệm game.
Lúc nghe điện thoại tôi đang ngồi cạnh dượng, ông đã biết lý do tại sao cậu quý tử lại không hề xuất hiện lần nào dù bố gặp tai nạn suýt chết. Tưởng ông sẽ nổi khùng lên tức giận, nhưng dượng chỉ quay mặt vào tường rồi bảo tôi mặc kệ thằng em không phải lo cho nó nữa.
Biết ông rất đau và khó chịu khi phải nằm một chỗ suốt gần tháng trời nên tôi luôn túc trực làm đủ thứ. Hết bón cháo rửa mặt lại lau sạch tay chân, rồi xoa bóp thường xuyên cho dượng đỡ tê mỏi. Tôi còn mua một chiếc chậu gội đầu để giúp ông vệ sinh sạch sẽ nữa.
Bao năm qua dượng tốt với tôi vô cùng nên tôi cũng hành xử tự nhiên như thể ông là bố ruột. Mọi người chung phòng bệnh luôn khen dượng có phúc, tôi nghe mà ngượng hết cả tai. 3 đứa con thì 1 thằng coi như vứt, may ra dượng còn tôi với thằng út ở bên.
- Nay lúc mẹ với em Tôm vừa đến thay ca cho tôi thì bố gọi cả nhà quây quần lại. Ông tuyên bố mấy câu mà 3 mẹ con tôi đều choáng váng.
- Gặp hoạn nạn mới rõ lòng nhau. Bố giờ nằm đây chỉ biết trông chờ mấy mẹ con chăm sóc. Cảm ơn con gái nhiều lắm. Bố không dứt ruột đẻ ra con nhưng con vẫn luôn ở bên cạnh lo cho bố tất cả. Vừa đi làm vừa ở viện trông bố rất mệt nhưng chưa thấy con than thở câu nào. Tháng sau là sinh nhật con 26 tuổi, bố cho con 2 tỷ mua cái chung cư, coi như quà sinh nhật được không con gái?
Tôi sốc đến độ môi lưỡi cứng đơ, không thể thốt ra được từ gì. Mẹ và em trai cũng bất ngờ lắm. Sau mấy phút định thần thì tôi xua tay từ chối, món quà ấy quá lớn tôi không thể nhận được. Nhưng dượng đã xin tôi đồng ý, coi như tấm lòng người cha dành cho con. Dượng thất vọng thằng Cá lắm nên coi như nó không phải con trai ruột nữa, mọi tài sản ông có đều để hết cho 3 mẹ con thôi.
Những lời dượng nói quá cảm động khiến tôi khóc rưng rức. Mẹ động viên tôi cứ nhận cho dượng vui, dù sao tôi cũng lớn rồi coi như đấy là của hồi môn phòng sẵn.
Chẳng biết tôi đã làm được phúc đức gì mà gặp được cha dượng tốt như thế. Ông còn biết ơn tôi vì đã chấp nhận làm con gái của ông nữa. Đâu phải cứ khác máu thì tanh lòng!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn