Sau vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong: Cần làm rõ trách nhiệm quản lý các cấp

15:48 | 25/05/2024;
Đó là ý kiến của ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau khi theo dõi thông tin vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong.

Ông Chính đánh giá, đây là một trong những vụ hỏa hoạn rất thương tâm mà tất cả chúng ta, đặc biệt những người làm công tác quy hoạch như ông rất xót xa.

Theo ông Chính, đối với nhà ở, nhà trọ kết hợp kinh doanh theo luật phải có đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt trong trường hợp vụ cháy nhà trọ trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngôi nhà nằm trong một con ngõ rất sâu, đi 3 - 4 rẽ mới vào đến nơi và đường rất hẹp.

"Trong một địa điểm như vậy, đông dân cư như vậy mà căn nhà lại kết hợp kinh doanh dễ cháy nổ đồng thời có ở và có cho thuê trọ rõ ràng là không phù hợp. Trong Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị… mà Quốc hội đã xem xét, không thể có sự tồn tại của những kiểu nhà như này", ông Chính đánh giá.

Theo nguyên Thứ trưởng Xây dựng cũng chia sẻ thêm, trong quá trình đô thị hoá, Hà Nội hiện có hàng nghìn nhà trọ cho thuê. Thủ đô đã xuất hiện rất nhiều "làng trong phố". Qua thời gian và do nhu cầu, các công trình cao tầng dần mọc lên, bất chấp tải dân cư vào, trong khi vấn đề bảo đảm phòng cháy, chữa cháy lại chưa tốt do đó không đảm bảo sự an toàn của con người khi có hỏa hoạn.

Sau vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong: Cần làm rõ trách nhiệm quản lý các cấp- Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

"Đây là câu chuyện không mới, chúng ta nói nhiều rồi nhưng vẫn còn có những trường hợp vì cuộc sống xã hội khó khăn dẫn đến họ không có điều kiện để có thể đến một chỗ tốt hơn nên phải vào những chỗ rẻ dù biết trước những chỗ đó có thể thiếu an toàn cho bản thân", ông Chính nói.

Với những ngôi nhà nằm trong ngõ rất sâu, mặt đường rất hẹp, chỉ 1 - 2m, trường hợp có xảy ra cháy thì xe cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy rất khó hoặc mất nhiều thời gian để tiếp cận. Không những thế, việc thoát hiểm cho mọi người khi sự cố xảy ra cũng sẽ rất khó khăn hơn.

"Vì thế, đây sẽ là một trường hợp mà cơ quan chức năng phải nghiên cứu, xem xét tất cả những yếu tố để đảm bảo an toàn cho người dân", ông Chính cho biết và nhấn mạnh thêm đó là một trong những nhiệm vụ mà chúng ta phải làm ngay.

Bên cạnh đó, ông Chính cũng khẳng định, tới đây, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm quản lý các cấp, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến cấp phép, thiết kế, điều kiện phòng cháy chữa cháy, điều kiện kinh doanh của căn hộ xảy cháy nói riêng, các căn hộ cho thuê khác nói chung.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, thành phố Hà Nội xảy ra 387 vụ cháy, khiến 6 người chết và 3 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 3,3 tỷ đồng.

Qua rà soát cho thấy, Hà Nội hiện tồn tại nhiều cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao gồm: 1.429 nhà chung cư, 398 chung cư mini, 31.239 nhà trọ, 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 1.213 trường hợp với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng; 7 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng với tổng số tiền 25 triệu đồng.

Cùng với đó, đơn vị chức năng tạm đình chỉ 351 cơ sở, đình chỉ hoạt động 118 cơ sở.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn