Nhà văn Nguyễn Trường viết lời tựa cho cuốn sách, gọi "Chuyện tình cuối mùa đông" của tác giả Nguyễn Hoài Nam là tùy bút, cho dù cuốn sách không ghi tên thể loại, là hoàn toàn chính xác.
Các bài viết trong cuốn sách là những trăn trở và triết lý của tác giả về cuộc sống, khi đã ở lứa tuổi "bên kia dốc núi". Tác giả - một phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia trong ngành y - đã được chứng kiến nhiều câu chuyện và bi kịch của con người trong bệnh viện, nên anh đã viết "Ngày Tết ở bệnh viện"; "Nhật ký một ngày của bác sĩ"; "Ba giờ trong phòng cấp cứu"; "Nhật ký bệnh viện mùa Covid". Các câu chuyện có thực qua lăng kính của tác giả, sinh động và hấp dẫn.
Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Hoài Nam không phải viết truyện ngắn. Các bài viết của anh không có thắt nút, mở nút, mà chỉ là những lời kể các sự việc khi được chính mắt nhìn thấy và sau đó là nâng tầm chiêm nghiệm. Một vài bài viết của tác giả mang hơi hướng du ký đậm nét: "Côn Đảo tháng tư"; "Chiều mưa Brunei"; "Đêm trên đỉnh Nga My"; "Mùa thu ở Seoul"; "Một lần đến Côn Minh"; "Một ngày đầu xuân ở Manila"; "Phú Quốc mùa gió nồm"; "Trên những nẻo đường Trung Hoa"; "Sa Pa những ngày đầu đông"; "Dubai thiên đường nhân tạo"...
Dù không nhất quán thể loại nhưng tác giả đã mang được cách nhìn, cách đánh giá của bản thân vào các ý tứ và tình tiết khi anh bắt gặp trong những khoảnh khắc cuộc sống. Và đây là trục cảm xúc xuyên suốt các bài viết trong cuốn sách "Chuyện tình cuối mùa đông". Dù cuộc đời không có ban tặng công bằng cho tất cả mọi người niềm vui và hạnh phúc, nhưng được có mặt trên cõi đời này, đã là điều hết sức tuyệt vời rồi.
Trong số 30 bài viết, "Chuyện tình cuối mùa đông" là có tuyến nhân vật rõ nét hơn cả. Tuyết - một nữ bác sĩ tuổi đã 50 nhưng còn hừng hực lửa tình. Cô sống cùng nhân vật tên Quân. Có vẻ như cô kỳ vọng vào công việc ở nơi làm việc mới trong bệnh viện trên vùng cao. Nhưng rồi cô thất vọng vô cùng vì bệnh viện rất nhiều rác và chuột cống.
Truyện rất ngắn, và kết thúc khá đột ngột, nhưng cũng truyền tải được những khao khát hết sức đàn bà của nữ bác sĩ Tuyết. Cuộc đời của Tuyết sau đó thế nào, thì được tác giả bỏ ngỏ, và người đọc tự phán đoán theo cách riêng mỗi người.
Ngôn ngữ danh xưng trong tập sách "Chuyện tình cuối mùa đông" của tác giả Nguyễn Hoài Nam khá đa dạng. Lúc thì viết theo danh xưng (được ngầm hiểu) là chính tác giả, khi thì của một nhân vật nào đó trong tình tiết cụ thể. Cách anh chiêm nghiệm cuộc sống khá sâu sắc, khi vừa được là người quan sát lại vừa chính là người trong cuộc.
Là một chuyên gia đầu ngành y, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam lại có đam mê viết văn. Anh đã có 8 cuốn sách vừa chuyên khoa vừa văn chương trình làng bạn đọc. Công việc đặc thù của một bác sĩ ngoại khoa đã cho anh thêm cảm xúc, bổ sung đậm đà hơn vào các hỉ nộ ái ố trong cuộc đời.
Qua các khúc cua bi kịch cuộc sống, người bác sĩ đã nhận ra thêm những điều tốt đẹp mỗi ngày, để cố gắng hoàn thiện đủ đầy nhân tâm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn