Cách đây gần 1 tháng, bệnh nhân V.Q.H (50 tuổi, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) được gia đình đưa vào Khoa Cai nghiện (BV Tâm Thần TƯ I) điều trị trong tình trạng loạn thần do rượu. Qua khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân đã nghiện rượu tới “vài chục năm”.
Vợ bệnh nhân H. cho biết, khi không uống rượu, ông H. rất hiền lành. Tuy nhiên, chỉ cần uống vài chén rượu vào thì ông trở thành một con người hoàn toàn khác. Ông thường chửi bới, mắng nhiếc vợ, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người thân. Thậm chí, có lần ông H. còn dùng đũa chọc vào 2 mắt vợ, khiến 1 mắt của bà bị hỏng.
"Sau khi bệnh nhân H. nhập viện, các bác sĩ đã tích cực điều trị. Nhờ đó, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn và tự chủ được mọi hoạt động, lời nói. Cách đây vài ngày, bệnh nhân tự ý trốn khỏi BV. Các bác sĩ đã liên lạc với gia đình, thì được biết bệnh nhân đang ở nhà", bác sĩ Đỗ Thị Oanh, Phó khoa Cai nghiện, cho biết.
"Sau khi bệnh nhân H. nhập viện, các bác sĩ đã tích cực điều trị. Nhờ đó, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn và tự chủ được mọi hoạt động, lời nói. Cách đây vài ngày, bệnh nhân tự ý trốn khỏi BV. Các bác sĩ đã liên lạc với gia đình, thì được biết bệnh nhân đang ở nhà", bác sĩ Đỗ Thị Oanh, Phó khoa Cai nghiện, cho biết.
Khoa Cai nghiện (BV Tâm thần TƯ I) đang điều trị cho gần 100 bệnh nhân. Ngày 18/1, nhiều bệnh nhân đã về quê ăn Tết nhưng vẫn còn hơn 30 trường hợp bị nghiện đang điều trị, trong đó hơn 20 trường hợp phải điều trị cai nghiện rượu.
Chứng kiến những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi khác nhau gào thét, phải buộc chân tay do loạn thần, sảng rượu... mới thấy sự tàn phá kinh khủng của “ma men”.
Một bệnh nhân phải điều trị do ngộ độc rượu |
Bác sĩ Đỗ Thị Oanh cho biết, trong số những bệnh nhân đang cai nghiện rượu, có người bị loạn thần do rượu, có bệnh nhân mắc hội chứng cai (sảng rượu). Tuy nhiên, họ đều có điểm chung là vào viện đều đã ở giai đoạn rất nặng. Nhiều người trong số đó khi uống rượu đã có nhiều hành vi không làm chủ được mình như đánh đập vợ con.
Những trường hợp như bệnh nhân H. không phải là hiếm, nhất là trong điều kiện bia, rượu được sản xuất tràn lan như hiện nay. Bác sĩ Oanh cho rằng, để hạn chế người dân uống rượu không phải chuyện một sớm một chiều mà cần phải có giải pháp tổng thể, bao gồm nâng cao dân trí để người dân hiểu tác hại của rượu. Đồng thời, cần phải giáo dục ngay từ trong nhà trường cho lớp trẻ... có như vậy mới hy vọng tỷ lệ người mắc bệnh tật, tai nạn do uống rượu bia giảm trong tương lai.