Say tàu xe là hiện tượng rất nhiều người gặp phải. Đây tuy không phải là một bệnh quá ghê gớm nhưng nó khiến cho bạn khổ sở và gặp nhiều rắc rối.
Người bị say xe thường không thoải mái khi đi xa, thậm chí vừa bước lên ô tô đã nôn nao, người uể oải. Nặng hơn, nhiều người bị buồn nôn, nôn nhiều, nôn ra dịch vàng, thậm chí bị thiếp đi. Say tàu xe ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt và kế hoạch di chuyển. Người bị say xe thường bị cản trở, khó khăn trong việc đi lại, thậm chí còn không còn sức lực và mất vài ngày sau mới hồi phục trở lại.
Dịp lễ Tết sắp đến, việc đi lại, di chuyển về quê hoặc lên thành phố là điều khó tránh khỏi. Những rắc rối đó có thể giải quyết nếu như bạn biết tận dụng những bí quyết nhỏ sau đây để mỗi lần có việc phải đi xe thì không còn quá lo lắng hay áp lực nữa. Trước khi áp dụng các phương pháp giảm say tàu xe, bạn cần biết một số thông tin sau:
Người dễ bị say tàu xe dù đi ô tô, máy bay hay thuyền bè đều có chung 1 kiểu say. Lý giải nguyên nhân say tàu xe, khoa học giải thích rằng, khi đôi mắt và các cơ quan khác trên cơ thể chuyển đến cho não một tín hiệu bị mâu thuẫn. Khi bạn ngồi trên xe, mắt sẽ chuyển về não nói rằng cơ thể đang ngồi yên, không di chuyển. Nhưng hệ thống tiền đình ở trong tai, nơi phụ trách cảm giác cân bằng của cơ thể lại báo về não rằng cơ thể đang di chuyển.
Khi những thứ bạn nhìn thấy và bạn cảm thấy bị mâu thuẫn nhau, não sẽ xuất hiện hiện tượng bị nhầm lẫn, một dấu hiểu gửi đến não giống như cơ thể có cảm giác bị trúng độc, từ đó não sản xuất ra một phản ứng chống lại trạng thái ngộ độc, gây ra hiện tượng nôn ói.
Một số phương pháp dưới đây có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi di chuyển tàu xe, mặc dù không thể giúp bạn hết say xe hoàn toàn nhưng nó sẽ mang lại cảm giác thoải mái hơn cho bạn.
Nhiều người thường nhịn ăn khi lên xe để phòng tránh bị nôn ói. Tuy nhiên đây là một sai lầm khiến cảm giác say xe trầm trọng hơn. Bụng đói càng khiến cảm giác cồn cào trong bụng tăng lên và kích thích bạn nôn nhiều hơn.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn no bởi vì khi dạ dày quá nhiều thức ăn khiến cơ quan này làm việc vất vả, liên tục tiêu hóa khiến bạn dễ bị say hơn.
Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng và có hiệu quả tương đối tốt. Chuẩn bị lên xe có thể uống thuốc chống say 40-60 phút. Uống thuốc với nước ấm hoặc uống thêm vitamin B1 giúp bạn giảm giác say xe
Ngay cả đối với những người ít bị say xe cũng không nên tập trung nhìn gần, chẳng hạn như xem điện thoại hoặc đọc sách. Bạn nên nhìn ra xa hoặc nhìn ra phía trước, có thể chọn vị trí ngồi gần cửa để quan sát cảnh vật bên ngoài. Việc làm này có thể giúp não xác định tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển.
Đặc biệt lưu ý, bạn không nên ngồi ngược hướng xe chạy, ngồi nghiêng lệch sang 2 bên hoặc vận động nhiều trên xe. Di chuyển đi lại nhiều trên xe cũng làm tăng cảm giác chóng mặt.
Trước khi lên xe, bạn có thể dùng một miếng gừng tươi hoặc khoai tây tươi dán vào rốn và dán lại một miếng băng dính để giữ chặt. Ngoài ra, dán gừng ở huyệt nội quan hoặc nhai trực tiếp cũng giúp giảm triệu chứng nôn nao.
Vỏ cam quýt cuộn tròn nhét vào mũi cũng giúp bạn tránh hít phải mùi khói xe, giảm cảm giác khó chịu.
Trong trường hợp không có thuốc chống say hoặc không có vỏ cam quýt, bạn có thể thắt bụng chặt hơn 1 chút nhằm không bị sốc bụng, các cơ quan nội tạng không bị di chuyển tự do trong bụng. Điều giúp bạn hạn chế cảm giác buồn nôn khi xe đi vào vùng xóc.
Nếu bạn đi xe nhỏ hoặc đi taxi, có thể yêu cầu mở cửa sổ để lưu thông gió, giúp hạn chế mùi xăng dầu trên xe. Những loại xe khách to thường không mở được cửa kính, do vậy bạn có thể chọn chỗ ngồi gần đầu hoặc gần điều hòa để lưu thông không khí tốt hơn.
Ngoài ra, nếu không có giải pháp tốt hơn, bạn nên cố gắng ngủ trong thời gian di chuyển. Ngủ là cách tốt nhất để dỗ dành cơ thể vượt qua được cảm giác say xe một cách nhẹ nhàng.
Nếu bạn bị nôn trong quá trình đi xe, không nên ăn ngay sau đó dù bụng có rỗng như thế nào. Cách tốt nhất là uống một chút nước và nghỉ ngơi cho đến khi cảm thấy cơ thể ổn hơn hoặc sau khi xuống xe là tốt nhất.
Lời khuyên cho người bị say tàu xe theo từng thể trạng.
*Đối với người có dạ dày nóng
1. Dùng một ít củ mã thầy, rửa sạch, gọt vỏ, thêm nước nấu thành canh và uống.
2. Nấu cháo gạo trắng và hạt đậu xanh loãng, thêm chút muối rồi ăn lúc nóng ấm.
*Đối với người có dạ dày lạnh
1. Dùng ít gừng tươi, để nguyên vỏ, rửa sạch, thái lát, giã nhỏ rồi pha với nước để uống.
2. Dùng 3 lát gừng tươi, nấu cùng 100g gạo trắng thành cháo, thêm khoảng 5g nhục đậu khấu nấu tiếp cho chín thì ăn cháo ấm nóng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn