Scleromochlus taylori: Loài bò sát tí hon của kỷ Trias, có họ hàng gần với Pterosaurs
13:55 | 07/10/2022;
Các nhà cổ sinh vật học đã tái tạo bộ xương chính xác đầu tiên của Scleromochlus taylori, một loài bò sát nhỏ sống trong kỷ Trias, khoảng 230 triệu năm trước. Kết quả của họ tiết lộ các chi tiết giải phẫu mới xác định Scleromochlus taylori là họ hàng gần của khủng long pterosaur.
Pterosaurs, những động vật có xương sống đầu tiên tiến hóa để sở hữu khả năng bay là thành phần quan trọng của hệ sinh thái trên cạn Mesozoi từ khi chúng xuất hiện đột ngột vào kỷ Trias muộn cho đến khi chúng diệt vong vào cuối kỷ Phấn trắng.
Tuy nhiên, nguồn gốc và sự tiến hóa ban đầu của Pterosaurs vẫn chưa được hiểu rõ do có một khoảng cách đáng kể giữa loài bò sát này và họ hàng gần nhất của chúng, loài Lagerpetidae.
Scleromochlus taylori, một loài bò sát nhỏ từ kỷ Trias muộn của Scotland được phát hiện hơn một thế kỷ trước, được giả thuyết là một loài quan trọng có liên quan mật thiết với pterosaurs.
Sinh vật cổ đại thuộc về Pterosauromorpha, một nhóm bao gồm các loài Lagerpetidae và pterosaurs.
Tiến sĩ Davide Foffa, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Birmingham và các đồng nghiệp cho biết: “Sống cách đây khoảng 240-210 triệu năm, Lagerpetidae là một nhóm bò sát hoạt động tương đối nhỏ (chúng có kích cỡ bằng một con mèo hoặc chó nhỏ)”.
“ Scleromochlus taylori là loài có kích thước nhỏ hơn nhưng vẫn có chiều dài dưới 20 cm (7,9 inch)”.
“Kết quả của chúng tôi ủng hộ giả thuyết rằng những loài bò sát bay đầu tiên tiến hóa từ tổ tiên nhỏ, có khả năng di chuyển bằng hai chân sau”.
Trước đây đã có bất đồng về việc liệu Scleromochlus taylori có đại diện cho một bước tiến hóa theo hướng của loài Pterosaurs, khủng long hay một số chi nhánh bò sát khác hay không.
Bởi trên thực tế, hóa thạch của loài này được bảo quản rất kém trong một khối sa thạch, điều này gây khó khăn cho việc nghiên cứu đầy đủ chi tiết để xác định đúng các đặc điểm giải phẫu của nó.
“Thật thú vị khi có thể giải quyết một cuộc tranh luận đã diễn ra trong hơn một thế kỷ qua, nhưng tuyệt vời hơn nhiều khi có thể nhìn thấy và hiểu được một loài động vật sống cách đây 230 triệu năm và mối quan hệ của nó với những loài động vật biết bay đầu tiên trên hành tinh của chúng ta ”, tiến sĩ Foffa nói.
“Đây là một khám phá khác làm nổi bật vị trí quan trọng của Scotland trong hồ sơ hóa thạch toàn cầu, và cũng chứng minh được tầm quan trọng của các bộ sưu tập các mẫu vật như vậy mà bảo tàng đang lưu giữ, chúng cho phép chúng tôi sử dụng các kỹ thuật và công nghệ mới để tiếp tục học hỏi và nghiên cứu về những sinh vật cổ xưa này”.
Giáo sư Sterling Nesbitt của Virgina Tech cho biết: “Pterosaurs là động vật có xương sống đầu tiên tiến hóa để sở hữu khả năng bay và trong gần hai thế kỷ, chúng tôi không biết họ hàng gần nhất của chúng là loài nào”.
“Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu điền vào lịch sử tiến hóa của chúng với việc khám phá ra những họ hàng gần nhỏ bé giúp nâng cao kiến thức của chúng ta về cách chúng sống và chúng đến từ đâu”.