Sẽ cưỡng chế nợ thuế với công ty CP BPT Quốc lộ 2

13:54 | 06/07/2018;
Tổng cục Thuế vừa có văn bản 2466/TCT-QLN về cưỡng chế nợ thuế thu nhập doanh nghiệp với Cty CP BOT Quốc lộ 2 sau khi lãnh đạo công ty cho rằng, việc chậm nộp thuế do đang đàm phán lại hợp đồng BOT với Bộ GTVT.

Tổng cục Thuế dẫn hàng loạt quy định hiện hành về việc khoanh nợ thuế, nhưng Cty CP BOT Quốc lộ 2 không thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế theo quy định.

 “Trường hợp Cty CP BOT Quốc lộ 2 nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp quá 90 ngày, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định. Đề nghị công ty nộp đủ số tiền thuế nợ và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước”, văn bản của Tổng cục Thuế yêu cầu.

bot.jpg
Trạm thu phí của Công ty CP BOT Quốc lộ 2

 

Chiều 5/7, ông Trịnh Huy Toàn, Giám đốc Cty CP BOT Quốc lộ 2 cho biết, khoản thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 công ty xin chậm nộp xấp xỉ khoảng 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, không phải công ty nợ thuế, chỉ xin hoãn để tính toán lại hợp đồng BOT với Bộ GTVT và nghĩa vụ thuế theo hợp đồng mới dự kiến sẽ ký trong tháng 7 này.

Theo đó, sau khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự án (công bố tháng 3/2017), đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 10 năm so với hợp đồng đã ký với Bộ GTVT. Do thời gian thu phí giảm, nên phương án khấu hao tài sản của dự án cũng phải tính toán lại, và chủ đầu tư phải đàm phán kí lại hợp đồng BOT với Bộ GTVT.

“Do tới nay hợp đồng ký lại với Bộ GTVT vẫn chưa xong, nên chưa chốt được phương án tài chính của dự án. Nếu theo phương án tài chính cũ, năm 2017 công ty lãi khoảng 20 tỷ đồng, số thuế phải nộp xấp xỉ 2 tỷ đồng. Nhưng nếu tính lại phương án tài chính, số lợi nhuận sẽ giảm, thậm chí công ty lỗ. Nên công ty làm công văn xin chậm nộp thuế của năm 2017 để tính toán lại phương án tài chính và đợi ký lại hợp đồng với Bộ GTVT”, ông Toàn nói.

Hiện công ty đang làm công văn giải trình lại với Tổng cục Thuế. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được thực hiện theo hình thức BOT, đưa vào sử dụng năm 2009, với tổng vốn đầu tư hơn 772 tỷ đồng. Thời gian thu phí để hoàn vốn tới năm 2025. Sau khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chi ra nhiều bất cập tại dự án này, như: Nhiều lần thay đổi điều chỉnh tổng mức đầu tư; khoảng cách 2 trạm thu phí không đảm bảo cự ly tối thiểu 70km theo quy định; phương án tài chính có thiếu sót, bất cập làm tăng chi phí đầu tư, kéo dài thời gian hoàn vốn 5 năm (tới năm 2025)... Do đó, kiểm toán kiến nghị giảm thời gian thu phí 10 năm 8 tháng so với hợp đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn