Đi làm giờ khác xưa rồi!
Nhiều sếp trẻ không ngại "chiều" lòng nhân viên để đẩy công việc đạt hiệu suất cao nhất. Còn ở phía người đi làm, họ có xu hướng thích làm việc ở những môi trường có sếp tâm lý. Một trong số đó là sếp tìm cách cải thiện các hoạt động trong team building để “vừa ý” nhân viên.
Là một người sếp có kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề, quản lý hàng trăm nhân viên, anh Đào Ngọc (1990, Hà Nội, chủ một thương hiệu thời trang) chia sẻ: "Khi làm việc với thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn Gen Z thì tư duy của mình cũng cần trẻ để có thể hiểu và quản lý tốt được họ."
Hay như chị Trang Vũ (1994), là quản lý của một doanh nghiệp nước ngoài, luôn tìm cách xây dựng đội ngũ thật gắn kết cho biết: “Luôn phải hiểu nhân viên của mình cần gì để điều chỉnh cho hợp lý. Không nên để mất lòng những nhân viên mà mình cưng nựng.”
Vậy nên khi thảo luận về vấn đề: “Sếp sẽ làm gì khi nhân viên không thích lãnh đạo xuất hiện nói đạo lý, tham gia trò chơi,..”, Thì những nhà quản lý đều có quan điểm riêng của mình!
Xây dựng đội ngũ nhân viên từ khi chỉ vài người, đến vài chục người và bây giờ là hàng trăm người. Anh Đào Ngọc cho biết: "Từ trước đến giờ, công ty mình không có khái niệm team building. Chỉ có đi ăn, đi chơi rồi về làm việc tiếp. Nhưng nhân sự của mình có hài lòng về điều đó không? Thì theo như số liệu khảo sát sau mỗi chuyến đi chơi, đi ăn đơn giản đó, mức độ hạnh phúc tăng lên đến 80%."
Vì sao lại đạt được mức độ này? Anh Ngọc cho biết: "Đó là mình luôn hiểu được nhân viên cần gì? Hoạt động tập thể luôn được hỏi ý kiến nhân viên trước nửa năm dựa trên tiền đề thẳng thắn và trung thực. Thậm chí việc hỏi ý kiến nhân viên rằng sếp có nên tham gia không cũng được đưa vào. Hay quy đổi thành tiền cũng là một ý kiến.”
Là một người sếp, anh Ngọc luôn giữ quan điểm: "Mình không cần nhân viên thích mình, chỉ cần mọi người thích công việc. Mà sợ nhất là những bạn làm việc không có động lực, xong nghỉ thì không nghỉ. Đại khái là kiểu "zombie văn phòng", ảnh hưởng cả tập thể. Đó là điều mình sợ nhất.
Còn lại như team building với mình đơn giản lắm. Mình chia thành 2 mối quan hệ quan trọng trong công ty: Một là quan hệ công việc, hai là quan hệ giữa đồng nghiệp. Với sếp thì không cần thiết.
Nếu mọi người vừa phối hợp tốt trong công việc lại hợp nhau trong các hoạt động vui chơi thì quá ổn.
Nhưng trong nhiều trường hợp, khoảng cách giữa đồng nghiệp - đồng nghiệp, đồng nghiệp - sếp không hài hòa. Có thể do tính cách hoặc khoảng cách thế hệ. Thì mình sẵn sàng thực hiện kiểu: Thanh toán thì sếp có mặt, tùy mọi người chơi. Hoặc đầu buổi có mặt tí thôi, xong đặt thanh toán trước để mọi người thoải mái."
Nhưng nói đi cũng nói lại, anh Ngọc cho biết làm sếp tốt thì cũng phải có mắt lựa nhân viên. Một nhân sự không giữ được sự hài hòa với sếp, không sớm thì muộn cũng phải chia tay. Vậy nên, anh Ngọc chốt lại vấn đề: "Lựa người phù hợp, không chỉ là năng lực, môi trường mà còn cả văn hóa công ty."
Có một cách quản lý khá đặc biệt đến từ Trang Vũ: “Nhiều công ty coi hoạt động team building như một phong trào. Tức là cứ thấy công ty này hô hào khẩu hiệu, doanh nghiệp khác đăng bài đoàn kết,... thì lập tức kéo nhân viên của mình đi để làm màu. Nhưng thực chất, điều đó đôi lúc phản tác dụng vì họ không kịp hỏi ý kiến nhân viên.
Thay vì “xây dựng đội ngũ” đúng như cái tên của nó, thì họ lại biến tướng thành một hoạt động tập thể để giải quyết những vấn đề mà đội ngũ đang gặp phải.”
Nhưng trên kinh nghiệm xây dựng tập thể lâu dài của mình, Trang Vũ cho biết cần phải hiểu được những người mà mình đang dẫn dắt. Tối ưu nhất nên chia thành những nhóm nhỏ. Như vậy mới nắm được từng cá nhân và đưa ra được các hoạt động trong team building hợp lý nhất.
Trang Vũ đưa ra ví dụ: “Những người hướng nội, các bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để quan sát và hòa nhập. Ban đầu sẽ dè chừng và không có cảm giác hứng thú. Hay những nhân viên dù không có thiện cảm với sếp nhưng vẫn phải giao lưu cùng. Đối với họ đây có thể là một buổi vui chơi rất mệt mỏi.”
Vậy khi này, team building gắn kết trong lời đồn liệu còn đúng?
Theo đó, Trang Vũ đưa ra giải pháp:
Hãy hiểu rõ các vấn đề sau: Mục tiêu mà team building hướng tới là gì? Sau đó quan sát từng thành viên, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của họ, điểm kết nối các thành viên trong nhóm với nhau? Từ đó thiết kế ra các hoạt động phù hợp.
Ở cương vị là một người sếp, mình nghĩ có rất ít trường hợp hầu hết nhân viên không thích sếp, hoặc là e ngại nếu như có sếp cùng tham gia team building. Vì cơ bản, một tập thể tốt yêu cầu cả sếp và nhân viên phải thấu hiểu lẫn nhau.
Nhưng cũng không tránh được việc sẽ có một vài cá nhân không hài lòng với sếp, cảm thấy việc giao lưu với quản lý của mình mất nhiều năng lượng. Khi này, mình sẽ xem xét về năng lực và thái độ trong công việc. Chỉ sợ nhất là các bạn mất động lực. Còn lại, nếu như vẫn đảm đương công việc tốt, có tinh thần trách nhiệm cao thì có thể để toàn quyền quyết định tham gia team building hay không!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn