Nhắc đến giáo dục giới tính là phụ huynh bức xúc
Tại Hội thảo “Đảm bảo bình đằng giới trong chương trình giáo dục phổ thông” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 28/8, nhiều vấn đề bất cập về bất bình đẳng giới trong SGK hiện hành được đề cập.
Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo (Bộ GD&ĐT) thừa nhận, SGK hiện hành còn chứa nhiều nội dung, hình ảnh mang tính rập khuôn, chưa cập nhật kịp thời thay đổi theo xu hướng tích cực về vai trò của giới. Không chỉ mất cân đối về tỉ lệ nhân vật nam - nữ trong nội dung, hình ảnh… các nội dung về GD giới tính và GD kỹ năng sống liên quan đến giới cũng chưa được đề cập một cách bài bản, chính thức.
Theo ông Tự, GD về giới không chỉ là GD giới tính, GD sinh sản đơn thuần mà là các vấn đề của hiện tại như vấn đề đồng tính - hầu như chưa được nói đến trong chương trình phổ thông.
“Tôi từng được trải nghiệm ở một gia đình tại Singapore có con trai bị đồng tính. Khi tôi hỏi bố mẹ cháu bé rằng họ đối mặt với điều này thế nào. Họ không ngần ngại mà nói rằng đây là sự lựa chọn của con họ và họ tôn trọng lựa chọn đó. Nếu ở Việt Nam, vấn đề này có được nhìn nhận trực diện như thế hay không?”- ông Trần Kim Tự chia sẻ.
GD giới tính, GD kỹ năng sống được khẳng định là chưa đề cập kịp thời trong SGK hiện hành. Bài học đầu tiên về giới tính trong SGK lớp 5, theo ông Trần Kim Tự, đơn thuần chỉ là học sinh được học về sự sinh sản nam nữ, cơ thể được hình thành từ lúc mới sinh cho đến dậy thì.
“GD giới tính được chuyên gia khuyến cáo là phải đề cập cho HS cuối cấp tiểu học nhưng rõ ràng chúng ta đã hơi muộn vì chưa đề cập đến nội dung này một cách bài bản trong SGK về GD giới tính các lớp cấp tiểu học” - ông Tự nói.
Điều này được TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, chỉ ra một cách thẳng thắn rằng, GD giới tính ở SGK hiện hành đơn thuần chỉ quy giảng về các yếu tố sinh học. Bản thân bà luôn cảm thấy “mắc” khi đề cập đến nội dung này.
“Rất nhiều năm rồi, kể từ năm 1990, khi Bộ GD&ĐT triển khai nội dung này trong chương trình giáo dục vị thành niên, cho đến bây giờ, GD giới tính vẫn là câu chuyện “treo”. Năm nào cũng vậy phụ huynh, học sinh rất bức xúc vì họ muốn có kiến thức và kỹ năng về điều này nhưng chưa đạt được kỳ vọng”- TS Hồng nói.
Theo bà Hồng, việc lồng ghép yếu tố giới rất cần sự linh hoạt, uyển chuyển trong SGK và chương trình. Ở tất cả các môn học đều có thể lồng ghép điều này, vấn đề mấu chốt là ở nhận thức của người xây dựng chương trình, biên tập SGK.
Cần có ban thẩm định SGK về vấn đề giới
Dựa trên thực tế đó, TS Khuất Thu Hồng đề nghị các hoạt động lồng ghép giới vào chương trình GD mới cần được làm bài bản hơn. Để làm được điều này, cần phải có ban thẩm định về yếu tố giới cho những bộ sách mới, bài giảng mới.
“Nếu nói rằng lồng ghép giới vào chương trình và SGK thì phải có ban thẩm định để có thể trả lời được các câu hỏi: Lồng ghép như thế nào, đã đạt chất lượng chưa, đã đúng hay chưa? Thẩm định SGK, triển khai giảng dạy và thẩm định cả chất lượng học sinh sau 1 năm học, các em được học những gì? Kiến thức của các em về điều này như thế nào sau 1 năm học? Theo tôi, bài bản là phải làm như vậy!” - TS Khuất Thu Hồng đề xuất.
Bà cũng nhấn mạnh, Việt Nam không thiếu nguồn lực về mặt con người để có một ban thẩm định đúng nghĩa. Nếu chuyên gia trong nước chưa đủ thì có thể nhờ sự vào cuộc của các chuyên gia quốc tế từ hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, Đại sứ quán các nước…
“Đội ngũ chuyên gia này sẽ giúp chúng ta xây dựng khung thẩm định và đào tạo chuyên gia để có thể thẩm định được các yếu tố về lồng ghép giới” - TS Hồng nhấn mạnh.
Nghe TS Khuất Thu Hồng nói về bất bình đẳng giới trong chương trình GD hiện hành:
Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GD phổ thông tổng thể, cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý để có sự định hướng phù hợp về yếu tố bình đẳng giới trong chương trình mới.
Theo đó, ông khẳng định nội dung GD giới tính, đặc biệt các chuyện nhạy cảm, tế nhị, sẽ được đề cập từ SGK lớp 4. “Đây cũng là điều cân nhắc và làm kỹ bởi cần được sự ủng hộ của các tổ chức và sự thống nhất tư tưởng của chính cha mẹ, tránh việc hiểu nhầm “vẽ đường hươu chạy”.
“Chúng tôi sẽ coi vấn đề về bình đẳng giới là nội dung chính trong chương trình mới chứ không đơn thuần là lồng ghép, đặc biệt sẽ là nội dung chính của một số môn như GD công dân, các môn học KHTN, hoạt động trải nghiệm... và triển khai dạy tích hợp trong một số môn, trong đó có môn Ngữ văn” - GS Thuyết nói.
* Từ năm 1942, Thụy Điển đã bắt đầu triển khai chương trình giáo dục giới tính (GDGT). Một trong số đó có tên gọi “GD ngừa thai” được đưa vào giảng dạy cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Học sinh sẽ được dạy về kiến thức mang thai và sinh con. Đối với bậc trung học, học sinh sẽ được học về chức năng sinh lý của hai giới. * Hà Lan là quốc gia được ngợi ca là đi đầu về GDGT khi là nước có tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất trên thế giới (khoảng 0,05%). Trong khi đó, ở Anh, trẻ em bắt đầu được GDGT ở độ tuổi mầm non. Pháp luật Anh quy định bắt buộc trẻ đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính. * Tại châu Á, một số quốc gia cũng có chính sách về GDGT trong trường học. Tại Nhật Bản, GDGT là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi. Ấn Độ có chương trình với mục tiêu hướng tới trẻ em từ 9 đến 16 tuổi, còn Malaysia, Philippines và Thái Lan thiên về GD chi tiết sức khỏe sinh sản. Chính phủ Malaysia khuyến cáo trẻ em nên được GDGT từ 4 tuổi. Chương trình GDGT cho trẻ em do Bộ Phát triển Phụ nữ, gia đình và cộng đồng cùng Bộ Giáo dục, tổ chức phi chính phủ biên soạn, sau đó nội các Chính phủ phê duyệt để trở thành một môn học chính thức ở trường học. |