Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện bảng lương của một nhân viên giao hàng khiến nhiều người chú ý. Theo đó, bảng lương ghi rõ các khoản gồm lương cứng, thưởng năng suất, phạt... Mức tổng lương tạm tính là hơn 18 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập này, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ bởi tổng lương của shipper có khi còn cao gần gấp đôi so với các công việc văn phòng. Tuy nhiên, khi được hỏi có nên nghỉ việc để đi làm shipper, thu nhập cao hơn, đa số nhân viên văn phòng đều trả lời là không.
Nhiều người vẫn cho rằng, shipper là một công việc đơn giản, dễ làm hay ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Nếu bạn không phải người chăm chỉ, kiên nhẫn hay có tính chịu thương, chịu khó, bạn chắc chắn không thể trở thành một shipper.
Không phải tự nhiên mà những người làm công việc này có thể đạt được mức 20 triệu/tháng. Hơn nữa, theo bảng lương mà nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội gần đây, mức lương cứng của shipper chỉ gần 4 triệu/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu bạn muốn lương cao, bạn phải nhận nhiều đơn, giao hàng bất kể thời tiết và đương nhiên, không có cả ngày nghỉ.
Đánh giá về mức lương này, Thu Hằng (23 tuổi) đang làm marketing tại Hà Nội cho biết: “Nghe 20 triệu/tháng, nhiều người sẽ trầm trồ vì mức lương cao nhưng với mình thì ngược lại. Mình cảm thấy không bất ngờ bởi về bản chất, thu nhập của họ không được cố định mà sẽ tùy thuộc vào năng suất.
Hơn nữa, ai cũng biết shipper là một công việc hết sức vất vả, trời nắng 40 độ vẫn đi làm, mưa ngập lụt cũng vẫn giao hàng... Còn chưa kể, công việc của họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Về mặt phúc lợi xã hội, mình không rõ họ có được bảo hiểm về tai nạn, sự cố... hay không nhưng với cá nhân mình thấy, mức thu nhập này không phải quá cao so với những gì họ bỏ ra”.
Anh Thi (23 tuổi, TPHCM) đang làm nhân viên văn phòng cũng đồng tình với quan điểm trên. Cô bạn cho rằng, bản thân là người hay đặt đồ ship nên dễ dàng nhận thấy bất kể giờ nào, shipper cũng trong trạng thái sẵn sàng làm việc.
“Có khi mình nhận được hàng từ sáng sớm, hôm lại nhận lúc 8h tối, cuối tuần... Bên cạnh đó, nếu là shipper giao đồ ăn, có thể phải làm việc thêm cả khung giờ tối muộn, đêm. Mình không biết mức lương này đã bao gồm trừ các khoản chi phí như điện thoại, xăng xe... chưa nhưng nếu chưa, mình thấy gộp lại 20 triệu đồng không xứng đáng với công việc mệt nhọc như vậy”, Anh Thi nói.
Với tính chất công việc của shipper, nhiều người đã lựa chọn dù lương thấp hơn nhưng vẫn tiếp tục làm nhân viên văn phòng. Ngoài ra, lý do mà họ đưa ra là bởi đi làm văn phòng có tính ổn định và an toàn hơn về lâu, về dài so với shipper.
Anh Thi chia sẻ: “Điều khác biệt giữa nhân viên làm văn phòng và shipper có lẽ là tính ổn định. Công việc giao hàng rất hại sức khỏe, khá mệt mỏi, thường xuyên phải đi ngoài đường và thường được cho là không có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Ngược lại dân văn phòng thường sẽ làm ở trong công ty, mùa hè có điều hòa, mùa đông gió rét không tới người. Hơn thế nữa, công việc này hầu hết đều có lộ trình thăng tiến, có thể bứt phá, học hỏi nhiều hơn”.
Anh Quân (25 tuổi, Hà Nội), mỗi tháng có mức thu nhập cơ bản khoảng 8 - 10 triệu/tháng từ công việc văn phòng, so với mức lương shipper 20 triệu/tháng chỉ bằng một nửa nhưng anh thẳng thừng từ chối nếu có ai đó rủ bỏ việc đi làm shipper.
“Đầu tiên, bản thân mình cảm thấy công việc giao hàng có rất nhiều khó khăn, vất vả mà mình không thể đảm nhận được. Thứ hai, mình luôn quan niệm bất kể công việc nào cũng đều đáng trân trọng, chỉ là mỗi người sẽ phù hợp với một ngành nghề riêng. Thứ ba, mình ưu tiên cho sự ổn định hơn, nhất là nếu tính xa về tương lai. Mức lương hiện tại của mình, mình thừa nhận không cao bằng với lương của các bạn shipper kiếm 20 triệu/tháng. Tuy nhiên mình vẫn lựa chọn làm văn phòng và hài lòng bởi thời gian, công sức mình bỏ ra xứng đáng với những gì được nhận”, Anh Quân chia sẻ.
Đối với Thu Hằng, Anh Thi và Anh Quân, việc nhiều người chỉ lấy mức lương ra để so sánh công việc giao hàng với những ngành nghề khác là khá phiến diện và không công bằng.
Anh Thi bày tỏ: “Mình thấy đây là một sự so sánh không cần thiết. Có những người đi làm văn phòng 8 tiếng nhưng chỉ làm 2-3 tiếng nhận mức lương 7 triệu, chia ra số giờ họ làm vậy là xứng đáng. Mặt khác, như mình quan sát, công việc shipper không có thời gian nghỉ trong giờ hành chính hay ngoài giờ, do vậy, chia thu nhập trên số giờ họ làm việc, như vậy là bình thường.
Hơn thế nữa, mình nghĩ công việc nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Bản thân mỗi người phải làm công việc đó mới có thể hiểu hết được những khó khăn và lợi ích từ đó. Nếu chỉ nhìn từ lương hay bề nổi rất khó để có thể đưa ra những so sánh chính đáng”.
Thu Hằng cũng cho rằng không thể chỉ lấy con số ra so sánh bởi mức lương này không thể đánh giá được hoàn toàn một công việc nào đó. Cô cũng cho rằng đi làm, dù ngành nghề gì, làm bao nhiêu sẽ nhận được mức lương tương ứng bấy nhiêu. Vì vậy, rất khó để nhận xét làm shipper giàu hơn nhân viên văn phòng.
Còn đối với Anh Quân, anh vẫn giữ quan điểm muốn so sánh phải xem xét kỹ, để đạt được mức lương đó, shipper phải “cày cuốc” thế nào. “Mình không đồng tình với những bình luận cho rằng làm shipper còn giàu hơn làm văn phòng. Mình thấy đó là so sánh phiến diện. Công việc nào cũng sẽ có ưu điểm và cả những hạn chế và mức lương, thu nhập vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm, khó để so sánh”.
Mai Văn Nam (31 tuổi) hiện đang làm nhân viên giao hàng cho biết công việc này có thể đạt mức lương 20 - 25 triệu/tháng, thậm chí cũng có những người đạt trên mức này. Tuy nhiên, anh chàng cũng cho biết để có số thu nhập đó, shipper phải làm việc bận rộn từ sáng đến tối muộn.
“Chẳng có ai làm shipper chạy buổi sáng, chiều về ngủ mà lương tháng đạt được mức như vậy cả. Mọi người thử làm sẽ hiểu, quần quật từ sáng đến muộn, trên xe lúc nào cũng mấy tải hàng nặng trịch. Rủi ro của công việc này mình nghĩ mọi người đều có thể nhìn ra.
Không nói đến những vấn đề liên quan đến sức khoẻ hay chẳng may gặp nạn trên đường, riêng việc ứng xử với khách hàng thôi cũng rất khó khăn rồi. Khách khó tính hoặc bùng hàng, bùng tiền... chúng mình đều phải trải qua hết. Nên nếu mọi người đánh giá đây là công việc “giàu” nhất thì cũng nên nhìn nhận đó là công việc “khổ” nhất”, Mai Văn Nam bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn