Người lao động nhập cư lại thấp thỏm
Ra Hà Nội sinh sống đã hơn 10 năm nay nhưng vợ chồng anh Mạnh, chị Lan (cùng quê Nghệ An) với hai con nhỏ vẫn sống trong căn nhà trọ chưa đầy 20m2 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. "Chồng tôi chạy taxi còn tôi làm công nhân cho nhà máy. Tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng trừ tiền ăn uống, học hành của con cái, tiền thuê trọ... thì chúng tôi cũng không để ra được là mấy. 10 năm liền để ra được có vài trăm triệu" – chị Lan tâm sự.
Vợ chồng chị Lan cho rằng, cứ ở thuê nhà mãi thế này cũng không được, nay chủ nhà đòi nhà, mai chủ nhà thông báo tăng giá... nên anh chị vẫn đang cố gắng chi tiêu tằn tiện để có thể mua một căn hộ chung cư trả góp cốt là để con cái có chỗ học hành ổn định.
Thế nhưng, thông tin về dự thảo sắp tới của Ngân hàng Nhà nước sẽ "siết" vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với các đối tượng vay tại các ngân hàng thương mại khiến vợ chồng chị Lan, anh Mạnh vô cùng lo lắng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 25 năm 2015 hướng dẫn vốn vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội. Điểm đáng chú ý là sẽ không có chính sách ưu đãi đối với khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như quy định hiện nay nữa. Tức là, Ngân hàng Nhà nước đang dự kiến sẽ "siết" vay ưu đãi mua nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại.
Người nghèo khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Chuyên gia kinh tế Vũ Ánh Nguyệt cho rằng, thực tế, hiện nay người dân khi vay mua nhà ở xã hội thường tìm đến các ngân hàng thương mại vì các quy định cho vay dễ dàng hơn, bớt cứng nhắc hơn. Vì thế, nếu bây giờ "siết" việc vay mua nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại thì cũng cần có sự đánh giá xem xét lại về quy định, hồ sơ xét điều kiện mua nhà xã hội, nhằm tránh việc tháo chỗ này thắt chỗ khác và người nghèo vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Bình, một chủ đầu tư nhà ở xã hội chia sẻ rằng, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng thuộc đối tượng được vay ưu đãi, được hưởng chính sách như: Không phải trả sử dụng đất, không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp, giá bán cộng lãi 10%... Nhưng để đáp ứng được các điều kiện vay là rất khó, thậm chí không có tiền để vay. Vì thế, nếu bây giờ "siết" vay tại các ngân hàng thương mại thì chính nhà đầu tư cũng ngại tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách đang thiếu. Giai đoạn 2018-2020, vốn đã bố trí cho nhà ở xã hội mới đạt 1.261,208 tỷ đồng, chỉ bằng 12% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hiện Bộ này vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ "nút thắt" vốn.
Ngân hàng Nhà nước lý giải, sở dĩ có sự thay đổi này là vì Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa cải tạo nhà để ở. Còn tại các tổ chức tín dụng, luật quy định chính sách hỗ trợ chỉ đối với khách vay để xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trong khi đó, Nghị định 100 năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định, tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, không phù hợp với Luật Nhà ở xã hội. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, việc chính sách ưu đãi vốn vay đối với nhà ở xã hội sẽ phải thực hiện theo Luật Nhà ở.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, bản thân ông đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 và nhận thấy rất rõ là Luật Nhà ở 2014 không hề cấm cho vay ưu đãi đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Không những vậy, nhiều nước đã thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp cho người có thu nhập thấp đều có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp, với thời hạn cho vay phổ biến trên dưới 25 năm (một thế hệ). Tại Việt Nam, nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội thì mức lãi suất cho vay hiện nay chỉ có 4,8%/năm, với thời hạn cho vay 25 năm. Các chính sách của nước ta đang khá tương đồng như chính sách nhà ở xã hội tại nhiều nước công nghiệp phát triển.
Có thể nhận thấy, chính sách cốt lõi nhất về nhà ở xã hội của các nước đặt trên hai trụ cột: một là hỗ trợ tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, hai là thời hạn cho vay dài hạn.
Vì thế, đề xuất mới đây của Ngân hàng Nhà nước sẽ "tước bỏ" chính sách cốt lõi là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế - ông Đinh Thế Hiển cho biết, ông ủng hộ việc vẫn tiếp tục duy trì gói cho vay ưu đãi đối với chương trình nhà ở xã hội nhưng nên rút ngân hàng thương mại ra khỏi chương trình cho vay này. Nếu cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội thì tập trung vào ngân hàng chính sách xã hội hoặc quỹ phát triển nhà. "Ngân hàng thương mại cổ phần kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường, nên khi cho vay lãi suất ưu đãi, nhà nước cũng phải bù lãi suất lại. Việc này nên để cho các ngân hàng nhà nước lo", ông Hiển nói.
"Cách vận hành cơ chế hỗ trợ nhà ở xã hội hiện nay cũng chưa ổn khi nhà nước hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tư nhân làm nhà ở xã hội rồi "ép" họ phải bán giá rẻ. Do lợi nhuận không đáng là bao nên doanh nghiệp phải "lách luật" bằng cách chia làm 2 hợp đồng, bán nhà và bán nội thất để thu lời cao hơn. Các đối tượng mua nhà ở xã hội cũng phát sinh nhiều tiêu cực, tạo cơ chế xin - cho", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn