Sàng lọc đầu vào?
Dự thảo của Bộ GD&ĐT quy định, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên (GV) như sau: Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên”.
Ngoài ra, đây cũng là ngành duy nhất bị áp điểm sàn - một trong những liệu pháp hạn chế điểm đầu vào “thê thảm” như năm ngoái tại nhiều trường đại học.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, một số lãnh đạo trường có đào tạo ngành này cho biết, đây là xu hướng tốt và là cơ hội để sàng lọc chất lượng đầu vào đội ngũ sư phạm. Điều này được GS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh chia sẻ, số lượng học sinh tại các huyện, thị ở Nghệ An đạt học lực giỏi không nhiều, trung bình khoảng 10% tổng số học sinh ngoại thành.
Về điểm sàn kỳ thi THPT Quốc gia áp cho tuyển sinh ngành này, ông Đinh Xuân Khoa rất đồng tình bởi tăng chất lượng tuyển sinh, trong điều kiện chưa tin tưởng tuyệt đối ở học bạ.
“Chắc chắn các trường có đào tạo ngành sư phạm sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với sự cạnh tranh, bởi học sinh đạt học lực giỏi còn lựa chọn nhiều ngành khác chứ không riêng gì ngành sư phạm. Thêm nữa ngành này đang dần mất độ “hot” do khó xin việc nên các trường sẽ càng khó tuyển sinh hơn” - GS.TS Đinh Xuân Khoa nói.
Những ai chấp nhận “cuộc chơi”?
Ủng hộ phương án của Bộ GD&ĐT song theo PGS.TS Lê Văn Trường - Phó Hiệu trưởng ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), cần lưu ý riêng với ngành sư phạm mầm non hoặc giáo dục thể chất để có thể thu hút đầu vào ngành này. GV mầm non vẫn là đội ngũ còn thiếu trên cả nước, cũng không cần đòi hỏi quá cao đầu vào. Ngành giáo dục thể chất cũng không đòi hỏi quá cao ở yếu tố học lực giỏi. Vì vậy Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ.
Một trong những cách làm mà lãnh đạo ĐH Hồng Đức đang thực hiện là đào tạo theo “đơn đặt hàng” của tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh đã có đề án đặt hàng Trường ĐH Hồng Đức đào tạo mỗi năm mỗi ngành từ 10 đến 15 chỉ tiêu, ít nhất tổng điểm 3 môn là 24 điểm. Nếu đào tạo đạt các chuẩn thì tỉnh sẽ sử dụng và đảm bảo cho các em có việc làm khi ra trường.
“Cách làm này giải quyết tình trạng thừa thiếu GV, lại chắc chắn có việc làm. Chúng tôi sẽ tuyển ở cấp THCS và THPT theo đề án này. Con cấp mầm non và tiểu học thì trường vẫn tuyển sinh như bình thường”- ông nói.
Theo Bộ GD&ĐT, với hình thức xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia, Bộ sẽ tính toán hợp lý nhất mức điểm sàn. Thậm chí, có khả năng điểm sàn sẽ cao hơn nhiều so với các năm trước. Việc xác định ngưỡng điểm đầu vào sẽ dựa trên nhu cầu đào tạo các địa phương, nhằm hạn chế tối đa tình trạng dư thừa GV hiện nay.