Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, ngày 6/8 vừa qua đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng làm một học sinh của Trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón học sinh từ nhà đến trường.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, chiếc xe 16 chỗ mang biển kiểm soát 29B-069.56 sử dụng để đưa đón học sinh chưa được cấp giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe theo quy định. Cũng trong thời gian qua, qua thông tin truyền thông phản ánh, ở một số địa phương có tình trạng sử dụng xe quá niên hạn, xe không đủ điều kiện đảm bảo an toàn để vận chuyển đưa đón học sinh, sinh viên.
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra đồng thời tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng, đặc biệt là xe hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động đưa đón học sinh, sinh viên của đơn vị mình; tập huấn, hướng dẫn lái xe và người đưa đón học sinh các nội dung liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định; các phương tiện trong quá trình hoạt động phải đảm bảo về niên hạn sử dụng, đăng kiểm và được cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải theo quy định.
Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng trên địa bàn có hoạt động vận chuyển đưa đón học sinh, sinh viên; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương để có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của xe vận chuyển đưa đón học sinh, sinh viên trên địa bàn đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ôtô.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, các xe chở học sinh hiện nay, nhà trường đều hợp đồng với phụ huynh và thu thêm tiền đưa đón nên thuộc diện xe hợp đồng chở khách, phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 86.
Theo quy định tại Nghị định 86, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng đơn vị, chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở Giao thông Vận tải hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng có thể nắm được lộ trình xe.
Số liệu thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo được gửi sang Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, năm học 2019-2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe ôtô đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe; trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, trong danh sách 17 trường không có Trường Gateway.
Hàng năm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đều có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo và các quận, huyện đề nghị tổng hợp số lượng các phương tiện đưa đón học sinh; đồng thời yêu cầu kiểm tra, xử lý và chấm dứt hoạt động đối với xe hết niên hạn, nhưng vẫn sử dụng để đưa đón học sinh.
* Trước đó, như đã đưa tin, chiều ngày 6/8, cháu Lê Hoàng Long, học sinh lớp 1 của Trường Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị phát hiện ở trên xe buýt đưa đón học sinh của trường trong tình trạng tím tái. Nhà trường đã đưa cháu Long đến Bệnh viện E để cấp cứu, nhưng cháu Long đã không qua khỏi.
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ Luật hình sự đối với vụ bé Lê Hoàng Long bị bỏ quên trên xe buýt, xảy ra tại Trường Gateway ngày 6/8.