Tạp chí Vật liệu trực tuyến của Đức (AFM) số ra mới đây đăng phát minh của các nhà khoa học Úc thuộc Đại học RMIT, Đại học Melbourne và Hội đồng Nghiên cứu Australia. Đó là loại siêu cảm biến có thể phát hiện khí amoniac rò rỉ, hỗ trợ việc lưu trữ khí hydro công nghiệp an toàn, hạn chế nguy cơ cháy nổ amoniac trong các nhà máy hóa chất và trong các môi trường sử dụng loại khí này.
Cảm biến mới sử dụng một kỹ thuật gắn oxit thiếc siêu mỏng lên vật liệu nền, mỏng hơn giấy 50.000 lần, thu trực tiếp từ bề mặt thiếc nóng chảy ở nhiệt độ 280 độ C. Cảm biến có thể phát hiện amoniac với hàm lượng nhỏ so với các công nghệ tương tự. Nếu amoniac trong không khí có thể làm thay đổi điện trở của màng trong cảm biến, nồng độ amoniac càng cao thì điện trở của thiết bị càng nhanh.
Hiện nay, ước tính có khoảng 235 triệu tấn amoniac được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của nhiều ngành công nghiệp. Việc rò rỉ khí amoniac trong quá trình vận chuyển cũng như vận hành nhà máy tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây nguy hiểm chết người. Do đó, các phương thức phát hiện amoniac một cách hiệu quả và đáng tin cậy là rất cần thiết. Ngoài ra, các cảm biến amoniac cũng có thể được ứng dụng trong y sinh, như phát hiện amoniac trong hơi thở của người để chẩn đoán các chứng bệnh nan y, đặc biệt là trong hệ tiêu hóa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn