'Siêu nhân' trong giới khoa học nữ

08:00 | 08/07/2019;
Cả đời chỉ tập trung nghiên cứu giống lúa và các loại cây trồng, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn cả trên thế giới. Trong đó, với riêng việc lấy gene trội của cây lúa ma, kết hợp với cây lúa trồng, nghiên cứu này của bà đã giúp cho các vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, mạnh và cho năng suất cao.

Gene trội mạnh mẽ

Cây lúa hoang được bà con ở miền Tây gọi là cây lúa ma. Lúa ma không có ai trồng mà tự nhiên phát triển, lên nhanh như cỏ. Những năm đầu hoang hóa, vì khó khăn, bà con nông dân thường sử dụng loại cây này cho gà, vịt ăn.

 

dbdeb542fc64183a4175.jpg
GS.TS Nguyễn Thị Lang và các đồng nghiệp trẻ tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Minh Tuấn

 

Với đặc tính phát triển bất chấp ngoại cảnh, cây lúa ma hạt vừa chín tới thì đã rụng xuống nước rất nhanh và theo các dòng kênh nước đặc trưng của miền Tây, đi khắp nơi. Đi tới đâu, mọc cây mạnh mẽ tới đó. Vì loài cây phát triển như cỏ nên người dân phải tìm mọi cách để đốt phá đi. Chỉ cần cắt 1 nhánh cắm xuống đất, lúa ma đã có thể sống và sống khỏe.

Tất nhiên, lúa ma cho năng suất vô cùng thấp, nên không thể chấp nhận được trong việc trồng trọt, chính vì yếu tố này nên GS.TS Nguyễn Thị Lang đã chỉ chọn sự ưu việt nhất của lúa ma, kết hợp với lúa trồng, cho ra các loại giống lúa tuyệt hảo.

“Khi nghiên cứu, chúng tôi đã lai tạo, lấy gene hoang dã của lúa ma hòa trộn với lúa trồng, để giúp lúa trồng tăng sức chịu được các tính chất khắc nghiệt của thời tiết. Tôi đã thấy có khi cỏ không mọc được mà lúa ma vẫn phát triển được, nên gene trội vẫn là gene mạnh mẽ”, GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết. Bà "bật mí" rằng, khi lai tạo, năng suất lúa đã tăng 20-30%, lại chống chịu được phèn, được sâu bệnh. Lúa ma gần như không có bệnh.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, là nhà khoa học nữ đầu tiên mới đây được vinh danh tại Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2019 vì các đóng góp của bà trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, tăng năng suất, sản lượng cao. Bà cũng từng nhận giải thưởng Khoa học L’Oreal For Women In Science.

 

49061c9955bfb1e1e8ae.jpg
Niềm vui của GS.TS Nguyễn Thị Lang khi đi thăm ruộng lúa. Ảnh: Minh Tuấn

 

“Siêu nhân” của giới nữ làm khoa học

Để bắt đầu với các nghiên cứu của mình, năm 1996, GS.TS Nguyễn Thị Lang mang giống lúa sang Viện lúa Quốc tế đặt tại Philippines để làm thí nghiệm. Ban đầu, giống lúa quá èo uột nhưng sau nhiều nghiên cứu thì có sự thay đổi quan trọng. Sàng lọc nhiều, giống lúa AS996 đã được giữ lại vì có nhiều ưu việt và thành công. Để lại phòng lab tại Philipines 1 bộ giống, tuy nhiên thực tế giống này lại không phát triển như khi mang về trồng tại Việt Nam nên sau đó, nước bạn lại sang xin về.

Cho tới nay, từ giống lúa ma “mẹ” này đã phát triển ra nhiều giống lúa ma “con”. Các nhà khoa học nghiên cứu giống lúa trên thế giới cũng đã liên hệ với GS Lang để xin nguồn quý này về phát triển. OM5629 và OMCS2009 là 2 giống lúa hiện trồng với diện tích lên tới 160 ngàn hecta.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, trong nghề nghiên cứu là nhà khoa học nữ “chơi hết mình” và trong cuộc sống đời thường, là người phụ nữ “sống hết mình”. Năm 1991 GS Lang lập gia đình. Cưới chồng cùng ngành nghề, trong 10 năm đầu hôn nhân, cặp đôi làm nghiên cứu khoa học này trở thành "vợ chồng Ngâu". GS Lang thực hiện công việc tại Viện nghiên cứu giống lúa Bến Tre, còn chồng của bà thì công tác tại Viện nghiên cứu giống lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi GS Lang mang bầu cậu con trai đầu tiên, gần như bà không nghỉ ngày nào. Tối hôm trước khi sinh còn tất bật chạy lo hội thảo khoa học, thì sáng sớm hôm sau vào bệnh viện sinh con. Chạy tới chạy lui phòng lab, ngoài đồng ruộng, về nhà cho con bú, người phụ nữ mạnh mẽ này đã chưa khi nào cảm thấy đuối sức cho mọi công việc. Hình mẫu của bà trở thành quá điển hình và “siêu nhân” trong giới nữ làm nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Tới khi mang bầu cậu con trai thứ 2, cũng là thời gian mà GS Lang đã lên toàn bộ kế hoạch để đi nghiên cứu các công trình khoa học đa dạng các nguồn gene thực vật tiếp theo tại Nhật Bản. “Tôi băn khoăn lắm, không biết phải nói thế nào với các đồng nghiệp tại Nhật về việc riêng của mình. Sau đó, tôi vẫn quyết định đi qua Nhật. Tới nơi, biết tôi vừa mang bầu, đồng nghiệp bên đó nói cần phải quay về Việt Nam để nghỉ ngơi và dưỡng thai. Tuy nhiên, tôi đã xin ở lại và cam kết sẽ thực hiện đầy đủ tất cả các bài học và đảm bảo về công việc nghiên cứu của mình”, GS Nguyễn Thị Lang nhớ lại khoảng thời gian cân bằng giữa việc làm mẹ và làm khoa học của mình.

Chỉ còn 1 tuần nữa là sinh con, mọi người đều khuyên bà ở lại Nhật Bản “mẹ tròn con vuông”, tuy nhiên bà lại có 1 hội thảo khác tại Việt Nam nên rất muốn bay về. Vừa về tới quê hương, thay vì “bà bầu” phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, GS Lang lập tức bắt tay vào công việc, lo chu toàn mọi thứ xong thì cũng là lúc cậu con trai thứ 2 “đòi” mẹ cho chào đời.

Nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long không hề lạ lẫm gì với cảnh GS Lang mang các con nhỏ theo đi làm, ra ngoài đồng ruộng. Khi bà xuống ruộng để coi các giống lúa phát triển, 2 cậu con trai chơi đùa và đọc sách ở trên bờ. Cứ như vậy, cuộc sống của gia đình đặc biệt này trôi qua theo năm tháng, với những thành tựu đáng nể của bà mẹ đam mê nghiên cứu khoa học.

 

2ec37e5e3778d3268a69.jpg
GS Lang là người nhà thân thiết của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Minh Tuấn

 

Không chùn bước!

Thành công tột bậc trong nghề nhưng GS Nguyễn Thị Lang cũng trải qua những thời khắc đau buồn vì nghề. Bà cho biết, dù công sức, mồ hôi và nước mắt của nhiều nhà khoa học đã đổ xuống, nhưng khi xuống địa phương giao giống lúa cho nông dân, người dân lại không thiết tha gì trồng lúa. Họ nói: "Giáo sư ơi, trồng lúa nghèo lắm, chúng tôi biết lấy gì để sống đây".

Nhớ có lần GS Lang cùng các đồng nghiệp mang giống lúa mặn xuống Bạc Liêu. Vì đất nơi đây bị nhiễm mặn rất nặng, nên nông dân bỏ lúa nuôi tôm hết. GS Lang đã đi vào vùng sâu vùng xa, từ sáng tới 17h mà vẫn chưa đưa được giống lúa cho hộ dân nào. Mang giống lúa đi tặng nhưng lại không ai nhận. Trời đã sập tối, bà ngồi nghỉ mệt ở phía trước nhà dân, khi người dân đóng cửa không thèm tiếp. Ngồi đó chờ mãi, cuối cùng có 1 lão nông chắc vì thương cảm quá mà tới nói, thôi cô để tôi sẽ nhận dùm giống lúa này, mặc dù thực sự tôi cũng không biết có trồng lúa nữa hay không!

7 năm sau, nhiều địa phương của đồng bằng sông Cửu Long nuôi tôm không được, vì nước nhiễm phèn, miễn mặn nhiều, tôm chết ngộp hết. Khi đó, các địa phương lại cần tới giống lúa chịu được phèn mặn của GS Lang. Những cú điện thoại tới tấp gọi tới khiến GS Lang lại lên đường. Bà mang khoảng 10 giống lúa tới nhiều địa phương, nhưng cuối cùng chỉ tồn tại được 3 loại: OM8108; OM4900; OM5629. Các giống lúa chống chọi được với sự khắc nghiệt của vùng đất đã lan tỏa khắp Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre… Người nông dân truyền tai nhau, phát triển ruộng lúa khiến GS Lang mừng lắm. Bà vui với niềm vui của người nông dân và lại tiếp tục trải thời gian của mình ở trong phòng lab để nghiên cứu.

Cho tới bây giờ, việc nghiên cứu giống lúa của GS Nguyễn Thị Lang vẫn chưa dừng lại, dù bà đã ở lứa tuổi nghỉ hưu. Hiện GS Lang đang nghiên cứu các giống lúa coi là vị thuốc phục vụ cuộc sống như các giống lúa làm ra sữa cho trẻ em hoặc các giống lúa dành cho người bị bệnh tiểu đường…

“Cả đời tôi đã dành thời gian để nghiên cứu các giống lúa và nhiều loại giống cây trồng khác nhưng cả đời này có lẽ vẫn chưa đủ!”, GS Nguyễn Thị Lang nói khi nhóm phóng viên chúng tôi cùng đi với bà ra ruộng lúa bát ngát tại Cần Thơ. Ở đó, nhiều nông dân đang mần ruộng chào đón vị nữ giáo sư thân thiết của mình, như người thân trong nhà!

GS.TS Nguyễn Thị Lang là 1 trong số những nhân vật được L'Oréal vinh danh là người đẹp có câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng qua chương trình tôn vinh nét đẹp phụ nữ "L'Oréal - Tỏa sáng nét đẹp riêng".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn