Khỏi cần liên tục “lên đời” máy tính, điện thoại
“Điện toán đám mây” không phải là câu chuyện mới của thời đại internet, mặc dù thuật ngữ này chỉ mới được biết đến cách đây vài năm. Các loại hình thư điện tử (email) hay trò chơi trực tuyến (game online) đều là một dạng sơ khai của “điện toán đám mây”.
Định nghĩa một cách cơ bản nhất, “điện toán đám mây” là một mô hình truy nhập từ xa, cho phép một máy tính nào đó thông qua internet kết nối và tương tác với một máy chủ hoặc hệ thống máy chủ cực mạnh. Sự kết nối này cho phép chiếc máy tính đó có thể sử dụng toàn bộ những ứng dụng trên máy chủ. Hiểu cách khác, đó là dịch vụ cung cấp, chia sẻ tài nguyên máy tính. Khi đã kết nối với “đám mây” thì sự kém cỏi của cấu hình máy tính/smartphone sẽ không còn là vấn đề nữa, bởi lúc này các ứng dụng của nó được thực hiện trên máy chủ và chiếc máy của bạn chỉ đóng vai trò là nơi “truyền lệnh”.
Ảnh minh họa |
Khi sử dụng “điện toán đám mây”, phần mềm client chạy trên máy của bạn đòi hỏi rất ít tài nguyên. Điều này cho phép bạn không phải đầu tư nhiều tiền bạc để liên tục “lên đời” máy tính. Bạn chỉ cần sở hữu một máy tính thông thường hoặc có thể là smartphone hay máy tính bảng mà vẫn có thể thực hiện được các ứng dụng cực kỳ phức tạp.
Một điều đáng quan tâm nữa, đó là với các dịch vụ điện toán đám mây, bạn có thể truy nhập tới dữ liệu của mình ở bất cứ nơi đâu, bởi mọi thông tin trên máy tính sẽ được lưu trữ ở máy chủ và bạn có thể truy xuất thông tin này bằng bất cứ máy tính nào và tại bất cứ đâu.
Theo quan niệm phổ biến, “điện toán đám mây” bao gồm 3 tầng với các tính năng khác nhau, gồm: Tầng cơ sở hạ tầng là nền tảng của “đám mây”, với các tài sản vật lý (các máy chủ, các thiết bị mạng, các ổ đĩa lưu trữ…). Khi sử dụng dịch vụ, bạn không kiểm soát cơ sở hạ tầng nhưng có quyền kiểm soát các hệ điều hành, lưu trữ, triển khai các ứng dụng, và ở một mức độ hạn chế có quyền kiểm soát việc lựa chọn các thành phần mạng. Tầng giữa là nền tảng hệ thống, cung cấp sự truy cập đến các hệ điều hành và các dịch vụ có liên quan; Tầng trên cùng là tầng ứng dụng, được coi chính là “đám mây” với các ứng dụng cung cấp theo yêu cầu của những người dùng.
Vẫn còn nhiều lo ngại
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở ASEAN đưa vào sử dụng điện toán đám mây. Từ năm 2008 đến nay, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến các dịch vụ điện toán đám mây thông qua dự án của Microsoft, Intel, IBM… Nhiều đơn vị, cá nhân ở Việt Nam đã sử dụng công nghệ này để kinh doanh, chia sẻ dịch vụ hoặc đồng bộ hóa hoạt động giữa một số ngành nghề, lĩnh vực.
Việc kết nối với các dịch vụ diện toán đám mây hiện nay khá đơn giản. Trên nhiều thiết bị di động đã có sẵn những công cụ để kết nối. Theo các nhà chuyên môn, hiện trên thế giới có khoảng 90% người dùng smartphone sử dụng ít nhất một tiện ích công nghệ điện toán đám mây. Từ năm 2014, điện thoại thông minh sẽ trở thành phương tiện kết nối đám mây phổ biến nhất trên thế giới.
Còn nếu sử dụng máy tính thông thường thì một số phần mềm có thể giúp bạn tạo tài khoản trên các “đám mây”. Phần mềm miễn phí Otixo là một trong những điển hình, với tính năng nổi bật là dễ cài đặt và dễ sử dụng.
Mặc dù mang lại nhiều tiện ích nhưng “điện toán đám mây” cũng tồn tại một số vấn đề khiến người sử dụng chưa thật yên tâm. Một trong những lo ngại phổ biến nhất là khả năng bảo mật. Bởi các nhà quản trị hệ thống hoàn toàn có thế nắm các bí mật mà khách hàng “gửi gắm” vào “đám mây”. Nhiều chuyên gia bảo mật khuyến cáo rằng người dùng phải luôn mã hóa dữ liệu ngay từ đầu. Các gói công cụ văn phòng điển hình như Microsoft Office đều cho phép mã hóa các tập tin với từ khóa riêng.
Ngoài ra, một nhược điểm khác cũng đang được các nhà cung cấp dịch vụ tìm cách khắc phục, đó là nguy cơ nghẽn mạng khiến các dịch vụ “đám mây” có thể bị “treo” làm chậm trễ công việc. Bên cạnh đó, khả năng chia sẻ dữ liệu từ dịch vụ đám mây này sang dịch vụ của đám mây khác hoặc sao lưu toàn bộ dữ liệu của người dùng từ đám mây về máy cá nhân có thực hiện được không? - Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
“Giải pháp đám mây cá nhân” được phát triển bởi các hãng chuyên về sản xuất ổ cứng như Seagate, Western Digital, Toshiba… với chi phí đầu tư chỉ từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/bộ cho dung lượng 1 - 2TB. |