Simone de Beauvoir: Bà đỡ của phong trào Nữ quyền thế giới

14:00 | 10/04/2016;
Simone de Beauvoir là một trong những nhà văn, nhà triết học Pháp nổi tiếng. Bà được xem là người làm thay đổi giới phụ nữ phương Tây thế kỷ XX.

Con đường đến với chủ nghĩa hiện sinh

Simone de Beauvoir sinh ngày 9/1/1908 trong một gia đình Công giáo khá giả ở Paris. Cha của Beauvoir là ông Georges Bertrand de Beauvoir, một thư ký pháp lý còn mẹ là bà Françoise Brasseur, con gái của một chủ ngân hàng giàu có. Từ nhỏ, Simone de Beauvoir đã có ý thức tự do và tự lập, không chịu sống chung với gia đình. Từ năm 14 tuổi, Beauvoir  không còn tin vào bất cứ tôn giáo nào. Cô có cá tính độc lập cao tới mức hiếm thấy, năm 19 tuổi từng tuyên bố không bao giờ chịu khuất phục bởi ý chí của người khác.

simone-de-beauvoir-1908-1986-nh-vn-v-nh-trit-hc-ngi-php.jpg
 Simone de Beauvoir - nhà văn và nhà triết học người Pháp.

Trong thời gian học đại học, Beauvoir rất giỏi các môn văn và toán. Tốt nghiệp Văn khoa trường Đại học Sorbonne, Paris năm 1927,  bà tiếp tục đi sâu vào triết học và quyết tâm lấy bằng thạc sĩ triết học, một học vị rất khó giành được lúc ấy. Năm 1929, trong khi chuẩn bị cho kỳ thi cao học ở trường École Normale Supérieure, Beauvoir hợp tác với một nhóm sinh viên ưu tú tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Paris, trong đó có Jean Paul Sartre.

Kết quả, Jean Paul Sartre 24 tuổi đỗ đầu bảng nam còn Simone de Beauvoir 21 tuổi đỗ thẳng, đứng thứ hai bảng nữ (trước đây Pháp cũng phân biệt nam nữ nên xếp hạng riêng). Như vậy Beauvoir là người trẻ nhất được phong học vị thạc sĩ triết học trong lịch sử nước Pháp. Giáo sư André Lalande - chánh giám khảo kỳ thi này nhận xét: “Sartre có đầu óc xuất chúng, nhưng Beauvoir mới là nhà triết học thực sự.”

Do luôn làm việc bên nhau nên giữa đôi bạn trẻ khác giới Sartre và Beauvoir đã nảy sinh tình cảm đặc biệt. “Tháng 8 năm ấy, khi lần đầu chia tay nhau, tôi đã linh cảm thấy anh sẽ không bao giờ ra khỏi cuộc đời của tôi”, Beauvoir từng chia sẻ.

Năm 1943, Jean Paul Sartre xuất bản tác phẩm triết học quan trọng “Tồn tại và Hư vô”, từ đó ông được coi là người sáng lập chủ nghĩa hiện sinh ở thế kỷ 20, một trào lưu triết học từng có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

simone-de-beauvoir-v-jean-paul-sartre.jpg
 Simone de Beauvoir và người tình Jean Paul Sartre.

Là bạn và người tình trọn đời của Jean Paul Sartre,  Simone de Beauvoir vừa chịu ảnh hưởng quan điểm hiện sinh của ông vừa sáng tạo những tư duy mới. Chính bà đã góp phần đẩy chủ nghĩa hiện sinh sang hướng tích cực hơn. Thay vì mệt mỏi, chán chường vì “sự vô nghĩa” của cuộc sống, hoặc ví von cuộc sống con người chỉ hiện hữu như “con gián, con rệp” như nhiều nhà hiện sinh lúc đó, Simone de Beauvoir đề cao một sự hiện hữu tích cực. Bà vừa chống lại sự hiện diện của chủ nghĩa cường quyền và bạo lực, vừa đấu tranh cho sự bình quyền, đặc biệt là bình quyền nam nữ, hướng tới một sự  sống tốt đẹp cho con người.

Mặc dù hai người có một mối quan hệ gắn bó lâu bền, suốt từ năm 1929 khi gặp nhau lần đầu cho tới năm 1980 khi Sartre qua đời, 10 năm cuối đời Sarte sống với Simone như vợ chồng và chính ông cũng thừa nhận hai người “chỉ là một”, không chỉ ở sự thống nhất về quan điểm, hoạt động chính trị - xã hội, mà sau khi chết được nằm sát cạnh nhau trong một nấm mồ ở nghĩa trang Montparnasse, Paris, nhưng hai người chưa bao giờ cưới nhau và sống chung với nhau trong một mái nhà, không có con cái với nhau nhưng nếu có dịp thì đều ở bên nhau.

Sau khi Sartre trở thành triết gia và nhà văn nổi tiếng, nhiều người cho rằng Beauvoir “núp bóng” Sartre. Điều đó làm bà có chút bực mình. Có lần bà nói: “Tại sao chẳng ai cho rằng Sartre là bạn đời của Beauvoir nhỉ?”

“Giới tính thứ hai” và phát súng tiên phong trong phong trào Nữ quyền

Năm 1949, Beauvoir xuất bản tác phẩm “Giới tính thứ hai” (Le deuxième sexe/ The Second Sex) nhằm vạch ra con đường giành quyền lợi cho nữ giới chiếm một nửa nhân loại. Chuyên luận lần đầu tiên được công bố trong Les Temps Modernes, sau đó được xuất bản thành sách và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Mặc dù đã viết nhiều tác phẩm văn học và triết học nổi tiếng, được nhận nhiều giải thưởng lớn, nhưng với “Giới tính thứ hai”, bà đã trở thành một nhà nữ quyền kinh điển, một phụ nữ tiên phong trong phong trào phụ nữ quốc tế.

Theo nhận xét của các dịch giả tiếng Anh, “Giới tính thứ hai” là một chuyên luận triết học và là một trong những tác phẩm quan trọng của thế kỷ XX làm cơ sở lý luận cho phong trào nữ quyền”. Có thể nói đây là một tác phẩm được chuẩn bị một cách rất công phu với một nguồn tài liệu phong phú.

Cuốn sách viết về các vấn đề mà phụ nữ đương thời đang cần được giải quyết, như sống tự do tự lập, tự do phá thai, bán dâm, bình đẳng với nam giới. Sách trình bày những quan điểm lý luận và đưa ra các hình thức đấu tranh giành nữ quyền. “Không phải người ta sinh ra đã là đàn bà, mà là con người biến thành đàn bà.” – Beauvoir viết. Bà nhận xét: xưa nay phụ nữ bị coi là người “thuộc một giống khác” với đàn ông, nói cách khác, là loại người “thứ yếu” bên cạnh loại người “chủ yếu”; quan điểm này là kết quả do hoàn cảnh lịch sử và xã hội tạo ra chứ không có liên quan gì tới thiên tính của giới nữ; chỉ bằng cách làm việc và có nghề nghiệp, người phụ nữ mới có thể giành được sự tôn trọng của xã hội.

4.jpg
 "Giới tính thứ hai" là cuốn sách gây tiếng vang của bà vào thế kỷ XX.

“Giới tính thứ hai” đã gây ra tiếng vang lớn ở Pháp, được xem là đột phá trong nghiên cứu về phụ nữ. Tác phẩm đã được các nhà hoạt động nữ quyền trên khắp thế giới, nhất là ở Mỹ, nhiệt liệt hoan nghênh và nhanh chóng được dịch ra 19 ngôn ngữ khác. Tại Mỹ, nó trở thành sách gối đầu giường của những người theo phong trào nữ quyền và Beauvoir được gọi là “Bà mẹ của phong trào nữ quyền”.  Trong lần xuất bản đầu tiên ở Pháp, tác phẩm được bán ra 220.000 bản. Trong lần xuất bản ở Mỹ, nó bán được 1 triệu bản. Tuy vậy, “Giới tính thứ hai” cũng gây ra vụ tai tiếng lớn và bị chỉ trích từ nhiều phía, trong đó có Giáo hội La Mã. Mặt khác, Beauvoir cũng bị không ít người đả kích một cách độc ác.

Tuy vậy, chính nhờ sự đấu tranh kiên trì của Beauvoir mà quyền tự do phá thai sau này được pháp luật nhiều nước thừa nhận. Đây là một thắng lợi lớn góp phần quan trọng giải phóng phụ nữ. Nhà hoạt động nữ quyền Mỹ Kate Millett cho rằng tại nước Mỹ, tên tuổi của Beauvoir vượt xa Sartre chính là do bà được phụ nữ Mỹ tôn sùng. “Bà ấy đã mở ra cánh cửa giải thoát cho phụ nữ toàn thế giới … Tác phẩm của Beauvoir đã làm thay đổi số phận của hàng trăm triệu người.”, Kate Millett cho biết.

Uy tín của Simone de Beauvoir trong phong trào phụ nữ lớn đến mức chính Tổng thống Pháp François Mitterrand cũng phải ca ngợi bà là “một trong những nhà văn hóa bậc thầy, nhà tiên phong mở hướng cho thời đại. Cuộc đời bà, các tác phẩm bà viết và cuộc đấu tranh của bà đã nâng cao giác ngộ của tất cả những người đàn ông và đàn bà nước Pháp cũng như toàn thế giới”. Người ta vẫn coi bà là nhà hoạt động chính trị xã hội đã làm thay đổi đời sống chính trị và trí tuệ của giới phụ nữ phương Tây thế kỷ XX.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn