Singapore dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ CEO

16:30 | 23/05/2022;
Phụ nữ nắm giữ 13,1% vị trí giám đốc điều hành (CEO) ở Singapore - cao nhất trên thế giới. Theo kết quả khảo sát khoảng 70 quốc gia và khu vực của công ty kiểm toán Anh Deloitte Global, tỷ lệ nữ CEO của Singapore vượt xa tỷ lệ của các nền kinh tế hàng đầu khác ở châu Á: 6,4% ở Trung Quốc, 4,7% ở Ấn Độ và chỉ 0,3% ở Nhật Bản…
Coi trọng đa dạng giới trong công việc

Tỷ lệ thành viên hội đồng quản trị là nữ đã tăng lên 17,6% vào năm 2021, cao hơn mức 13,7% được ghi nhận vào năm 2018. Số chủ tịch hội đồng quản trị là phụ nữ đã tăng lên 6% năm 2021, so với 5,8% vào năm 2018. Tổng số chủ tịch hội đồng quản trị là nữ giới lên đến 100 vào năm 2021. Bà Margaret Thomas, Chủ tịch nhóm bảo vệ quyền phụ nữ Singapore Aware, nói rằng: "Chúng tôi không ngạc nhiên khi Singapore đứng đầu danh sách các nước có tỷ lệ nữ CEO cao. Thực tế là tỷ lệ này có thể cao hơn vì chúng tôi có những phụ nữ có học thức, có năng lực".

Ở Singapore, phụ nữ chiếm 30% trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Nổi bật là Rachel Lim - đồng sáng lập công ty Love, Bonito; Tan Hooi Ling - đồng sáng lập Grab; Pocket Sun - người sáng lập SoGal Ventures… Singapore đang nổi lên như quốc gia đi đầu khu vực châu Á về công nghệ. Chính phủ nước này đang đầu tư toàn diện vào công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới thông qua các chương trình giáo dục, tài trợ khởi nghiệp và các chính sách thân thiện với đầu tư, đã thu hút các công ty toàn cầu như Amazon và Google đặt văn phòng tại đây. Hy vọng rằng những nỗ lực này có thể giúp thu hút, phát triển và giữ chân nhiều hơn tài năng nữ trong lĩnh vực công nghệ, bởi tại Singapore, đa dạng giới trong công việc được các công ty đặc biệt coi trọng. BoardAuality là một sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của sự đa dạng giới trong vai trò lãnh đạo trong các công ty.

Chính quyền Singapore đang muốn tăng tỷ lệ nữ CEO cao hơn nữa như một nỗ lực thu hút những tài năng từ nước ngoài bằng cách đề cao bình đẳng giới. Lợi nhuận dòng tiền từ đầu tư cao hơn 2,04% đối với các công ty có tỷ lệ nữ quản lý cấp cao hơn. Chấm dứt sự phân biệt giới không chỉ là nghĩa vụ xã hội mà còn là một chiến lược quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Sách trắng của Chính phủ Singapore về sự phát triển của phụ nữ xuất bản vào cuối tháng 3/2022 đã trình bày các cơ hội bình đẳng tại nơi làm việc như một lĩnh vực trọng tâm. Trong đó bao gồm các nội dung tư vấn nghề nghiệp, đào tạo những người tái gia nhập lực lượng lao động, khuyến khích cả cha và mẹ nghỉ thai sản để chăm sóc con cái và sắp xếp công việc linh hoạt. "Gã khổng lồ" bất động sản Frasers Property đã mở rộng cơ chế sắp xếp công việc linh hoạt, cho phép làm từ xa đối với các nhân viên có con nhỏ hoặc phải chăm sóc thành viên khác trong gia đình.

Bà Elisa Mallis, CEO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tại tổ chức phát triển Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo, đề xuất, cần một bước tiến xa hơn ngoài biện pháp tư vấn nghề nghiệp do chính phủ đề xuất. "Tôi tin rằng tài trợ của chính phủ là chìa khóa để đưa phụ nữ lên các cấp cao hơn trong tổ chức. Ngoài việc cố vấn, cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ, tôi nghĩ cũng cần các nhà tài trợ tích cực hậu thuẫn thêm. Ngoài ra, cần có các chính sách nghỉ phép linh hoạt hơn cho người làm cha mẹ nhằm giúp phụ nữ cân bằng các vai trò mà họ đảm nhận", bà Elisa nói.

Singapore dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ CEO - Ảnh 1.

Ở Singapore, phụ nữ chiếm 30% trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ

Bệ phóng thành công

Bà Pearlyn Phau, Giám đốc điều hành Tập đoàn bảo hiểm Aviva Singlife, cho biết: "Trong suốt những năm làm ngân hàng, tôi đã được trao nhiều cơ hội và không cảm thấy thiệt thòi khi là một phụ nữ". Bà Phau đã gắn bó và cống hiến tại ngân hàng hàng đầu Singapore DBS 18 năm trước khi được bổ nhiệm vị trí CEO vào năm 2021. Pearlyn mang đến cho Aviva Singlife những kiến thức sâu rộng về nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính. Bà là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ với tư duy kỹ thuật số, đạt nhiều thành tích trong các chiến lược chuyển đổi và thực thi hoạt động.

Còn Quah Ley Hoon được biết đến là CEO của Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Trong bối cảnh nhiều ngành đã phải tạm dừng vì Covid-19, thay vì lùi bước, cô giúp MPA đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cần thiết trong tương lai. Tư duy về sự đổi mới và đầu tư nghiêm túc vào ngành hàng hải đã biến Singapore trở thành nơi trung chuyển container "bận rộn" nhất trên thế giới với trên 130.000 lượt tàu/năm. MPA tập trung vào nguyên tắc 3D: digitalization (số hóa), decarbonization (khử cacbon) và disruption (gián đoạn) để tạo ra ngành công nghiệp vận tải biển hiệu quả hơn, an toàn hơn và bắt kịp xu thế cạnh tranh trong môi trường kỹ thuật số. Cô Quah đang có kế hoạch mang tầm cỡ toàn cầu với chiến lược "digitalOCEANS" của mình. Chiến lược này sẽ cho phép kết nối từ cảng này đến cảng khác một cách liền mạch, trao đổi thông tin hiệu quả và giao dịch hiệu quả trên chuỗi vận tải biển.

Mới 25 tuổi nhưng Annabelle Kwok đã là người sáng lập 2 công ty khởi nghiệp. Đầu tiên, cô thành lập SmartCow, công ty xây dựng phần cứng cho các quy trình trí tuệ nhân tạo (AI), sau đó thành lập NeuralBay, một công ty AI chuyên về phân tích thị lực. Với tư cách là CEO của NeuralBay, cô phát triển phần mềm phát hiện và nhận dạng trực quan cho các công ty để giúp họ thực hiện các nhiệm vụ như theo dõi những người mua sắm qua cửa sổ cho mục đích tiếp thị. Khách hàng bao gồm các tập đoàn hàng không và công ty thậm chí đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh lớn như Viện Công nghệ Massachusetts.

Trong khi đó, Roshni Mahtani là người sáng lập Tickled Media. Đây là một công ty có trụ sở tại Singapore, đứng sau các trang web truyền thông TheAsianParent.com, AsianMoneyGuide.com HerStyleAsia.com và Nonila.com. Trong những năm qua, Tickled Media đã có sự tăng trưởng đáng kể: Từ 1 triệu người dùng năm 2013 lên cơ sở người dùng hàng tháng là 25 triệu người hiện nay. Năm ngoái, công ty công nghệ truyền thông đã huy động được khoảng 6,7 triệu đôla Singapore tài trợ để giúp thúc đẩy sự mở rộng của mình trong khu vực, đặc biệt là ở Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn