Sinh viên Bách Khoa và hành trình chế tạo máy lấy tơ sen đầu tiên ở Việt Nam

08:32 | 13/01/2020;
“Vì Việt Nam chưa có máy lấy tơ sen nên khi chế tạo máy này nhóm em đã không có sản phẩm nào có cấu trúc tương tự để tham chiếu, chỉ biết tự nghĩ ra và kiểm chứng”, Cao Anh Tú (sv ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ về hành trình chế tạo máy lấy tơ sen đầu tiên ở Việt Nam.
Nhóm sinh viên Bách Khoa miệt mài nghiên cứu, chế tạo máy lấy tơ sen. Ảnh: NVCC

Nhóm sinh viên Bách Khoa miệt mài nghiên cứu, chế tạo máy lấy tơ sen. Ảnh: NVCC

Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội gồm Cao Anh Tú, Ngô Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Thắng, Trần Quốc Đạt vừa chế tạo thành công máy lấy tơ sen tự động. Điều đặc biệt đây là máy lấy tơ sen đầu tiên ở Việt Nam .

Tú cho biết, ý tưởng xuất hiện từ lâu nên khi trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019", cả nhóm quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng. Và chỉ trong 1 thời ngắn, chiếc máy đã hoàn tất. "Trước chung kết 1 tháng, nhóm chúng em quyết định thay đổi toàn bộ kết cấu máy để tối ưu. Thời gian đấy, cả nhóm phải làm xuyên đêm. Nhóm em được hỗ trợ rất nhiều từ TS. Nguyễn Ngọc Kiên (Phó GĐ trung tâm Đổi mới Công nghệ, ĐH Bách Khoa Hà Nội) và các "đồng nghiệp" ở phòng Lab".

Cao Anh Tú (bìa phải) cùng các sinh viên trong nhóm tự hào về sản phẩm máy lấy tơ sen đầu tiên ở Việt Nam

Cao Anh Tú (bìa phải) cùng các sinh viên trong nhóm tự hào về sản phẩm máy lấy tơ sen đầu tiên ở Việt Nam

Việc chế tạo một loại máy mới không phải là điều gì quá xa lạ với sinh viên Bách Khoa, đặc biệt là các sinh viên ngành cơ khí, điện tử. Tú cho biết, trước máy lấy tơ sen thì nhóm của em và các bạn ở phòng Lab đã tham gia chế tạo máy xếp vải, máy bóc long nhãn, dây chuyền chuyển than, máy công nghiệp máy si… Chính vì vậy, khi bắt tay vào chế tạo máy lấy tơ sen, các em không gặp nhiều khó khăn. "Khó khăn nhất là vì Việt Nam chưa có máy này nên nhóm em đã không có cơ cấu tương tự nào để tham chiếu, chỉ biết tự nghĩ ra và kiểm chứng", Tú chia sẻ.

"Các nguyên lý miết tơ được chúng em mô phỏng lại quá trình thực hiện của các nghệ nhân. Gồm có bàn miết dưới và miết trên, mô phỏng cho bàn miết tay người. Vật liệu được dán trên bề mặt bàn miết để tăng ma sát cũng được mô phỏng vân tay người và vẫn đảm bảo độ mềm mại", Tú cho biết.

Dự án chế tạo Máy lấy tơ sen của nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội và 1 sinh viên ĐH Ngoại thương giành giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019

Dự án chế tạo Máy lấy tơ sen của nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội và 1 sinh viên ĐH Ngoại thương giành giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019

Được biết, trước đây, để làm một sản phẩm từ tơ sen, người lao động chỉ có thể làm thủ công và phải mất 1-2 tháng mới hoàn thành. Chính vì vậy, giá thành sản phẩm tương đối cao, lên đến vài triệu đồng một sản phẩm. Sản phẩm không được bán phổ thông nên không nhiều người lao động mặn mà với công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo này. Tú cho biết, mục đích chế tạo máy lấy tơ sen để tăng năng suất, mang sản phẩm từ sen đến gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhóm em cũng không kỳ vọng máy lấy tơ sen sẽ được bán rộng rãi trên thị trường.

"Dù hiệu suất của máy gấp 5-7 lần làm thủ công nhưng không có nghĩa là máy chế tạo ra sẽ… "cháy hàng". Bởi, nghề làm lụa từ tơ sen ở Việt Nam chưa phổ biến. Nhưng với sinh viên chúng em, điều đó không quá quan trọng. Điều quan trọng là chúng em luôn khát khao sáng tạo, khát khao làm chủ công nghệ, được làm những cái mới, được thử thách bản thân. Chỉ có việc bắt tay vào làm thì chúng em sẽ được nâng cao tay nghề, kiến thức. Đây cũng là những kỹ năng, những bài học quý cho công việc sau này của chúng em", Tú cho biết.

Dự án chế tạo máy lấy tơ sen thành công còn nhờ sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở phòng Lab trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

Dự án chế tạo máy lấy tơ sen thành công còn nhờ sự hỗ trợ của các "đồng nghiệp" ở phòng Lab trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

Đề tài chế tạo máy lấy tơ sen của nhóm Tú đã giành giải Nhất trong cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019" vừa được tổ chức cuối tháng 12/2019. Tú cho biết, hướng phát triển của nhóm thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện máy tốt nhất. Như làm thêm hệ thống cấp phôi tự động, tức là chỉ cần đặt một bó sen với đủ kích cỡ các loại thân sen thì máy có thể tiếp nhận được hết. Cùng đó sẽ hoàn thiện bộ phận xoắn và miết tơ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn