Sinh viên đâu phải học sinh tiểu học cần 'cai quản, trông giữ'

18:15 | 12/01/2017;
'Việc quy định giờ giấc cũng cần nhưng không phải là áp dụng cách khóa trái cổng kiểu này', Nguyễn Anh Thu (cựu sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền) chia sẻ trước việc ĐH Công đoàn (Hà Nội) khóa cổng trường trong giờ học.
dh-cong-doan-2.jpg
Giảng đường hãy là nơi sinh viên đến vì yêu thích chứ không phải tới để... ngủ. Ảnh minh họa internet.

Mấy hôm nay, việc trường ĐH Công đoàn khóa cửa cổng trường trong giờ học khiến sinh viên không thể ra vào đã gây nhiều ý kiến trái chiều không chỉ với sinh viên ĐH Công đoàn mà với cả sinh viên, cựu sinh viên các trường khác. 

Theo Anh Thu, việc quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” của trường ĐH Công đoàn gây sự bất tiện rất lớn với sinh viên, những người đã trưởng thành chứ không phải học sinh tiểu học cần “cai quản, trông giữ”.

“Quy định của trường rất cần, tuy nhiên phải phù hợp. Khi quy định không được lòng sinh viên, họ buộc phải theo thì tâm lý sẽ không thoải mái. Điều đó dẫn đến việc lúc nào họ cũng ngầm phản kháng với nhà trường thì khó có được tinh thần học tập tốt”, Anh Thu cho biết.

“Hơn nữa, học đại học không phải học phổ thông. Đâu phải suốt ngày ở trên giảng đường, đi đúng giờ, về đúng lúc mới là sinh viên giỏi. Những giờ giảng trên giảng đường cung cấp học thuật. Còn áp dụng thế nào thì đó là câu chuyện của thực tế”, là kinh nghiệm của Anh Thu. “Sinh viên phải muốn đến trường, ở đó họ thấy sự tự do, sự yêu thích, sự tôn trọng ý kiến thì họ mới học được. Sinh viên có học thực sự không, có nghiêm túc không, hãy để kết quả học tập, sự cống hiến trong công việc là câu trả lời chứ không phải là sĩ số trên lớp”.

dh-cong-doan.JPG
Quy định đóng cổng trường trong giờ học của ĐH Công đoàn phải nhận nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: D.H.

Trong khi đa phần ý kiến phản đối quy định “nhốt” sinh viên trong giờ học của ĐH Công đoàn thì vẫn có cựu sinh viên đồng ý với quy định “cần phải tạo ý thức cho sinh viên” này. Bùi Ngọc Dũng (cựu sinh viên ĐH Thương mại) nêu ý kiến: Đây là quy định khá tốt. Bởi nhiều sinh viên hiện nay ý thức rất kém, thường xuyên lấy lý do tắc đường, nhà xa… để bao biện cho hành động đi học muộn. Thời gian đóng cổng, sẽ không có sinh viên nào ra ngoài trốn học, những người đi muộn mất 1 buổi học sẽ rút ra bài học cho mình phải đến sớm cho kịp học. Hơn nữa, thời gian đóng cổng cũng chỉ là lúc các sinh viên đang học không nhất thiết phải ra ngoài vì lý do nào khác. Nhà trường làm như vậy là muốn tốt cho sinh viên, muốn tạo cho sinh viên ý thức kỷ luật. Trước mắt là ý thức kỷ luật trong học tập, sau này là ý thức kỷ luật trong công việc, trong cuộc sống. Nếu không có ý thức kỷ luật thì dù bạn là có sinh viên giỏi thì sau này ra trường đi làm, bạn cũng không thể trụ được ở một cơ quan nào.

Ý kiến của Ngọc Dũng đã vấp phải sự 'phản pháo' của không ít người: "Bạn không nghĩ đến sự bất tiện của những sinh viên không có giờ học ở trường à? Họ có việc đến trường, nhưng vì quy định tréo ngoe này mà bắt buộc phải chờ đợi. Tóm lại, đừng biến trường đại học thành nơi quản lý học trò tiểu học. Nên dẹp quy định này đi và đưa ra một quy định mới phù hợp hơn, khiến sinh viên tâm phục khẩu phục và vui vẻ thực hiện!" - một SV giấu tên phản bác lại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn