Sinh viên Đức biểu tình vì thiếu chỗ ở

10:58 | 18/08/2015;
Không tìm được chỗ ở, nhiều sinh viên đã phải ngủ 5 người/phòng trong khách sạn giá rẻ. Những chương trình 1 sinh viên đồng ý cho 1 sinh viên khác ngủ trên ghế sofa nhà mình cũng được đưa ra.
Những cuộc biểu tình và tình trạng quá đông sinh viên bị xếp vào 1 phòng ở đã trở thành vấn đề lớn đối với sinh viên và các trường đại học Đức.

Ở một vài trường ĐH, sinh viên đã bắt đầu biểu tình. Như ở thủ đô Berlin, sinh viên mang túi ngủ và chăn đến cắm trại trước tòa nhà đỏ nổi tiếng của thành phố để kêu gọi mọi người chú ý đến tình trạng khó khăn của họ. “Berlin muốn thu hút những học giả và những nhà nghiên cứu có bảng thành tích tốt. Nếu thế, họ cần phải đầu tư cho chỗ ở của sinh viên trước”, Petra Mai-Hartung, lãnh đạo của hội sinh viên Berlin, chia sẻ.

Hệ thống tuyển sinh của các trường ĐH Đức thường không giúp được gì nhiều cho những sinh viên năm thứ nhất. Do các sinh viên thường nhận những thư chấp nhận không điều kiện từ trường ĐH vào phút cuối hoặc sau khi học kỳ đã bắt đầu nên họ không thể tìm chỗ ở từ sớm.
Sinh viên biểu tình vì thiếu chỗ ở
Chỗ ở trong khu nhà sinh viên thường có giá thuê khá "mềm" - khoảng 220 euro/tháng. Đây trở thành mục tiêu theo đuổi của rất nhiều sinh viên, đặc biệt khi một nửa số sinh viên trong những khu nhà ở như thế chỉ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng tối đa là 675 euro.
 
Những người không may mắn không thể tìm được chỗ ở giá hợp lý thường phải ngủ chen chúc 5 người/phòng trong khách sạn giá rẻ (giá vài euro/1 đêm). Ở trường Cologne, Hội sinh viên đã phải cung cấp chỗ ở tạm thời cho sinh viên trong những nhà thờ.

"Cái khó ló cái khôn", nhiều sáng kiến ra đời trong hoàn cảnh khó khăn. Hội sinh viên trường Hannover đã phát động chương trình 1 sinh viên đồng ý cho 1 sinh viên khác ngủ trên ghế sofa nhà mình mà không cần trả khoản phí nào.

Philip Roder, 25 tuổi, học tại Munich, đã tìm nhà trọ bằng cách viết một bài hát biểu tình có tên “Sống chẳng màng đến Munich”. Sau 1 tuần, cậu bắt đầu nhận được những lời đề nghị về chỗ ở, cùng với đó là những phản hồi tích cực từ các sinh viên có hoàn cảnh tương tự. Cuối cùng, cậu cũng tìm được 1 phòng trong căn hộ sinh viên.

Hiệp hội sinh viên quốc gia Đức (DSW) đưa ra con số thống kê gây sốc: Chỉ 230.000 chỗ ở cho 2,5 triệu sinh viên đăng ký tại các trường đại học (ĐH) của Đức năm 2014.

Achim Meyer auf der Heyde, Tổng thư ký của DSW lí giải: “Hiện ở Đức, có khoảng 400.000 sinh viên mới mỗi năm, chưa kể khoảng 95.000 sinh viên quốc tế. Những năm gần đây, số lượng chỗ ở cho sinh viên chỉ tăng vài nghìn, trong khi số lượng sinh viên tăng rất nhanh”.

DSW cùng với Hiệp hội công đoàn của Đức (DGB) đã và đang cố gắng cải cách chương trình tài trợ giáo dục ĐH và sau ĐH.

Đầu tiên, DSW muốn xóa bỏ độ tuổi giới hạn để theo học tại các trường ĐH: Ở thời điểm hiện tại, độ tuổi già nhất để theo học bằng cử nhân là 30 và 35 đối với bằng thạc sĩ.

Cả DSW và DGB đều muốn những chương trình tài trợ này được Chính phủ trợ giúp tài chính 100%, như ở những năm 1970.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn