Sinh viên “tàn phá” sức khỏe vì thức khuya

23:55 | 02/06/2023;
Xu hướng hoạt động về đêm ở giới trẻ đang ngày càng phổ biến. Trong độ tuổi có sức khỏe, nhiều sinh viên bỏ qua lời khuyên của chuyên gia, bác sĩ về tác hại của việc thức khuya.

Qua khảo sát và phỏng vấn về tình trạng sinh viên thức khuya tại ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chúng tôi thu được con số: Tỷ lệ sinh viên thức khuya là 86,3%, trong đó, thức khuya từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau chiếm 63,7%.

Ngày nay, xung quanh người trẻ có quá nhiều dịch vụ giải trí, có vô số lý do để họ lấy cớ thức khuya. Hầu hết các bạn đều biện minh rằng, mình phải làm bài tập, làm việc. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân khác mà họ không nhắc đến: Đi chơi khuya, tán gẫu trên mạng, lướt Facebook hoặc "cày" phim, "cày" game…  

Nói về vấn đề thức khuya, bạn Nguyễn Thảo Ngân (20 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: "Mình thường xuyên thức đến 1 giờ sáng để làm bài tập. Hiện mình đang là sinh viên, ngoài việc đi học, mình còn phải đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập giúp đỡ cha mẹ. Vậy nên mình phải phân chia thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc đi học, đi làm và ôn tập kiến thức. Mình rất thích học vào đêm khuya, chỉ có những lúc như thế não mới hoạt động hết công suất. Mình thường dành thời gian ngủ vào buổi sáng, sau đó đi học vào buổi chiều, làm thêm vào buổi tối và dành cả đêm để học bài".

Nguyễn Thảo Ngân, 20 tuổi sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguyễn Thảo Ngân, 20 tuổi sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tương tự với Thảo Ngân là trường hợp của Nguyễn Duy Khánh (21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Có những ngày nam sinh chỉ ngủ được 3 tiếng - đi ngủ lúc 3h sáng và thức dậy lúc 6h để đến trường, chiều về lại làm thêm đến tối.

Mình đi làm thêm đến 22h mới về ký túc, sau đó nấu nướng và ăn uống, tắm giặt cũng mất hơn 2 tiếng. Những đêm thức khuya chủ yếu chỉ để chơi game và tán gẫu với bạn bè trên mạng, có những lúc đau đầu, mắt mỏi, người mệt nhưng quen giấc nên không thể ngủ sớm", Duy Khánh cho biết.

Khi trong phòng có một sinh viên thức khuya thì những sinh viên khác cũng bị ảnh hưởng không kém, sẽ bị cuốn theo giờ giấc sinh hoạt không bài bản ấy. Một người bạn cùng phòng Duy Khánh tâm sự: "Mình không đi làm thêm, nhưng đêm nào mình cũng ngủ muộn. Tối nào mình cũng tự hứa hôm nay sẽ ngủ sớm, nhưng học bài một chút, rồi ôm điện thoại chơi game, chat chit với bạn bè một chút, xem Facebook một chút, quay qua quay lại là gần 1 giờ sáng, lại thất hứa với bản thân. Chỉ là ngủ sớm thôi mà sao khó quá".

Lý do được các bạn đưa ra là: Bận học, bận đi làm thêm, bận đi chơi, trải nghiệm… nên khó có thể ngủ sớm. Vì vậy, giấc ngủ của nhiều sinh viên thường bắt đầu từ sau 12h đêm, thậm chí khoảng 2-3h sáng. Họ thường được gọi vui với tên "những người sống giờ Mỹ". Một vài người thức đêm sẽ kéo theo nhiều người cùng thức, dần dần thành một tập thể, thành một thói quen xấu, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngủ sau 23h đêm sẽ làm thay đổi nhịp sinh học, dẫn đến nguy cơ làm hỏng một số cơ quan trên cơ thể. Nhìn vào bức hình mô tả đồng hồ sinh học cơ thể dưới đây, bạn có thể hình dung hậu quả của việc thức khuya như thế nào:

Tác hại của việc thức khuya đến nội tạng

Tác hại của việc thức khuya đến nội tạng

Từ nghiên cứu của các chuyên gia, đây là những ảnh hưởng nghiêm trọng của thức khuya:

Làn da bị lão hóa nhanh, chóng già

Người thường xuyên thức khuya trong thời gian dài nhìn da nhợt nhạt, dễ nổi mụn, mắt thâm quầng, nếp nhăn xuất hiện nhanh và nhiều. Bởi khoảng thời gian từ 23h đêm đến 4h sáng là thời điểm tế bào da được tái tạo nhanh gấp đôi, lượng collagen sản sinh để trẻ hóa da tăng tốc mạnh nhằm tiêu diệt chất có hại và phục hồi các tế bào da tổn thương.

Giảm thị lực

Ban đêm là lúc mắt cần được nghỉ ngơi sau cả ngày làm việc. Khi chúng ta thức đêm, mắt phải tiếp tục làm việc, cộng với điều kiện không đủ ánh sáng, thị lực sẽ giảm đi đáng kể. Nếu thức khuya mà làm việc cùng các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại… đòi hỏi mắt phải điều tiết và tiết ra các chất lỏng bôi trơn, lâu ngày dẫn đến tình trạng mắt bị khô, mỏi.

Nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên thức khuya cũng là những người dễ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, thoái hóa điểm vàng hay nghiêm trọng nhất là mù lòa.

Trầm cảm

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ, rối loạn trầm cảm là một chứng bệnh tâm thần ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Tình trạng trầm cảm xảy ra nhiều hơn ở nhóm người có thói quen thức khuya, dậy muộn. Rối loạn đồng hồ sinh học là một trong những nguyên nhân dẫn đến trạng thái tâm lý u sầu, lo âu. Ở người bình thường, buổi sáng là thời gian cảm thấy khoan khoái, đầy năng lượng; ngược lại, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng và tình trạng này kéo dài tới tận buổi chiều.

Gây đau đầu và suy giảm trí nhớ

Theo thống kê, tỷ lệ người có thói quen thức khuya bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người bình thường. Bởi thời gian buổi tối là lúc để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động đã diễn ra trong ngày. Nhưng khi chúng ta thức khuya, sẽ làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não. giảm nguy cơ đau đầu, mệt mỏi và nhất là các biểu hiện của suy giảm trí nhớ.

Suy yếu hệ miễn dịch

Khi thức khuya cơ thể sẽ bị thiếu năng lượng, mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút. Vì vậy, những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... hơn so với người ngủ đủ giấc.

Bạn trẻ nên nên điều chỉnh lại đồng hồ sinh học và thói quen thức đêm của mình để có cơ thể khỏe mạnh

Bạn trẻ nên nên điều chỉnh lại đồng hồ sinh học và thói quen thức đêm của mình để có cơ thể khỏe mạnh

Thói quen thức khuya nếu duy trì trong một thời gian dài là mối nguy hiểm khôn lường. Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại và sôi động nhưng không đồng nghĩa với việc buông bỏ sức khỏe. Để có được một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, các bạn trẻ nên nên điều chỉnh lại đồng hồ sinh học và thói quen thức đêm của mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn