Smartphone 'đập bát cơm' của nghề chụp ảnh dạo

15:08 | 13/01/2016;
Nhiều tay máy nghiệp dư trước đây từng nhiều năm “chinh chiến” ở các tụ điểm tại TPHCM như Thảo Cầm Viên, Nhà thờ Đức Bà… đã lần lượt tìm nghề khác để kiếm sống.
“Hơn chục năm trước, mình mời 10 người thì cũng được vài ba người đồng ý chụp hình. Còn bây giờ thì mời ai họ cũng đều lắc đầu quầy quậy. Nhiều người còn giơ chiếc điện thoại ra, ý như muốn nói rằng, có thứ này rồi thì cần gì đến mấy ông (thợ ảnh) nữa”, anh Hoàng, một người từng làm nghề chụp ảnh dạo ở khu trung tâm Sài Gòn chia sẻ.
Đúng là với những chiếc smartphone, việc chụp ảnh trở nên vô cùng đơn giản, dễ dàng, lại chẳng tốn kém gì. Chỉ việc đưa máy lên nhìn vào màn hình rồi bấm. Một chuyến đi dã ngoại với gia đình, bạn bè có thể được ghi lại với hàng trăm tấm hình. Cứ chụp thoải mái, khi nào rảnh lấy ra lọc lại, tấm nào đẹp thì để, tấm nào không ưng ý thì xóa. Còn những tấm được coi là “siêu phẩm” thì có thể đưa tiệm ảnh in ra thành những tấm hình kích cỡ lớn. Với những smartphone “đời mới”, độ phân giải lên tới 10 “chấm”, thì chất lượng hình ảnh chẳng có gì để phàn nàn!
1_cn_anh-chinh.jpg

Những chiếc smartphone với tính năng chụp ảnh ngày càng hoàn hảo làm giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ chụp ảnh 

Song, sự “lên ngôi” của smartphone - với tư cách là một chiếc máy ảnh “dã chiến” - đã để lại trong lòng những người thợ chụp ảnh không ít tâm tư. Những người từng vài chục năm lăn lộn trong nghề vẫn nhớ như in “thời hoàng kim”, khi mà ai đó được chụp một bức ảnh cũng là niềm hạnh phúc, một kỷ niệm đẹp. Ngày ấy, những chiếc máy ảnh thực sự là một gia tài của người làm nghề, có giá tới vài lượng vàng. Tiền mua phim cũng rất đắt đỏ, còn việc tráng phim, rửa ảnh lại là một quá trình đầy gian nan… Để chụp 1 tấm hình có thể “lấy được tiền thiên hạ”, những người thợ không chỉ phải nắm vững các kỹ thuật cơ bản, mà còn cần có con mắt nghệ thuật và nắm bắt được “nguyện vọng” của khách hàng”.
Vậy mà giờ đây, họ đang phải chịu sự “ghẻ lạnh” của mọi người…
 
Không dễ bị “xóa sổ”
Mặc dù không còn “ăn nên làm ra”, mặc dù phải chịu cảnh “bữa đói bữa no”, nhưng nghề chụp ảnh dạo ở Sài Gòn vẫn tồn tại dai dẳng cho đến tận bây giờ, dẫu số người theo nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết họ đều đã nhiều tuổi, làm nghề không hẳn vì miếng cơm manh áo, mà chủ yếu do yêu nghề, nhớ nghề và muốn “giữ nghề”.
2_CN.jpg

 Những người thợ chụp ảnh dạo bám trụ nghề hầu hết lớn tuổi và yêu và nhớ công việc

“Ai nói tôi bảo thủ thì tôi chịu, chứ theo quan điểm của tôi thì chụp bằng máy ảnh khác hẳn với chụp bằng điện thoại; chụp bởi những tay máy có thâm niên trong nghề cũng khác hẳn với những người chỉ biết… đưa máy lên rồi bấm. Đành rằng, chụp hình bằng máy kỹ thuật số như bây giờ dễ dàng, đơn giản hơn so với máy chụp phim trước đây, nhưng việc thực hiện một bức ảnh của cánh thợ chúng tôi phức tạp, đòi hỏi phải “gia công” nhiều hơn hẳn so với những người chụp ảnh bằng điện thoại. Chúng tôi phải cân chỉnh ánh sáng, bố cục phải có tiền cảnh, hậu cảnh đầy đủ, sắp xếp “nhân vật” phải ở một vị trí “đắc địa” nhất… Chỉ đến khi tất cả đều “đúng bài” rồi thì mới dám bấm máy. Những tấm hình mà chúng tôi chụp đảm bảo có độ sâu, cả người và cảnh vật đều phải có cái hồn, “thần thái”, ông Giàu, một thợ ảnh lâu năm ở Nhà thờ Đức Bà, bộc bạch.
Sở dĩ họ vẫn còn làm nghề là bởi họ có sẵn những mối khách quen. Đó cũng thường là những người đã luống tuổi, mang nặng tâm lý “hoài cổ”. Nhiều người mang smartphone đời mới nhất với camera “cực khủng”, nhưng vẫn cứ thích được chụp bằng máy ảnh, bởi những người thợ đã “quen thuộc” từ vài chục năm trước.
Ở Sài Gòn, nếu như thợ chụp ảnh quanh Nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu điện thành phố có thể hành nghề tự do, thì những người chụp ảnh dạo ở Thảo Cầm Viên còn buộc phải học và thi lấy chứng chỉ hành nghề tại Hội Nhiếp ảnh TPHCM, được “tuyển chọn” bởi Ban quản lý. Những thợ ảnh ở đây cho biết, họ đều “mới” làm nghề được chừng… 30 năm, người trẻ nhất cũng trên 50 tuổi, còn người lớn tuổi nhất là trên 70. Theo danh sách thì ở đây có khoảng 80 thợ ảnh nhưng ngày thường, nhiều người tản đi các địa điểm khác để làm ăn, chỉ những dịp lễ Tết mới tề tựu đông đủ.
3_cn.jpg

gần đây những người thợ chụp ảnh dạo Sàn Gòn tập trung nhiều ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Gần đây, nhiều thợ ảnh lại tập trung về khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây là địa điểm chụp ảnh mới ở Sài Gòn thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là về đêm. Một số thợ ảnh ở đây cho biết, thu nhập trung bình của họ khoảng 200.000 đồng/ngày, chỉ đủ trang trải cuộc sống, thế nhưng không ai muốn bỏ nghề. Bởi “chụp hình như cái nghiệp đã gắn vào thân, đâu dễ gì bỏ được”, theo lời ông Toàn, một thợ ảnh có hơn 30 năm trong nghề.
Vì thế mà mặc dù bị smartphone “cạnh tranh gay gắt”, song nhiều người thợ chụp ảnh dạo vẫn quyết bám lấy nghề - tuy cái nghề không còn được coi là “cần câu cơm” như trước. Nhờ đó mà nghề chụp ảnh dạo vẫn chưa bị “xóa sổ”, mặc dù đã vắng bóng những thợ trẻ mới vào nghề.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn